Vừa qua, truyền thông có đưa tin về việc Công an TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) yêu cầu những học sinh, sinh viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông vượt đèn đỏ, phải đứng điều tiết giao thông dưới sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông nhằm tuyên truyền giáo dục để lần sau chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Theo cá nhân tôi, đây là giải pháp hay, cần nhân rộng trên cả nước.
Như chúng ta biết, học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia giao thông rất nhiều nhưng chưa am hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông cũng như cố tình vi phạm. Thay vì phạt tiền, phía cảnh sát giao thông yêu cầu những hành động cụ thể như thế này để các bạn “chuộc lỗi” là việc làm cần thiết. Bởi phạt tiền có thể hôm sau thanh niên lại vi phạm. Nhưng với câu chuyện vừa nêu trên thì các bạn sẽ thấm thía, có ý thức cũng như ghi nhớ luật. Đây cũng là cách tuyên truyền an toàn giao thông hiệu quả thay vì treo băng rôn, áp phích.
Còn nhớ, vào tháng 7/2017, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã công bố kết quả nghiên cứu về an toàn giao thông. Cuộc nghiên cứu được tiến hành từ năm 2016, do PGS-TS Chu Công Minh, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, phụ trách nhóm, chủ yếu tập trung vào vấn đề an toàn giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, học sinh khối THPT đang là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn trong các ca tử vong vì tai nạn giao thông. Cụ thể, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây. Ba nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông của trẻ em gồm: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát. Qua nghiên cứu đáng báo động này, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục, tuyên truyền học sinh khi tham gia giao thông. Dù biết rằng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định hình phạt nào sẽ bị lao động công ích hoặc những người vi phạm an toàn giao thông phải điều tiết giao thông nhưng chưa có thì chúng ta làm cho có. Đây là mặt tích cực, nhân văn, khả thi thì nên sớm quy định và phổ biến để cùng góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Một khi học sinh, sinh viên đã am tường luật, chấp hành luật, hiểu ý nghĩa của việc thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ thì tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông sẽ thuyên giảm.
ĐẶNG TRUNG THÀNH