Không chỉ riêng Phú Yên mà tất cả các tỉnh, thành trong toàn quốc đều gặp khó khăn, trở ngại mỗi khi đặt tên, đổi tên đường, phố, các công trình công cộng. Biểu hiện rõ nhất sự bất cập này là thiếu hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp với từng địa phương dẫn tới tình trạng lộn xộn, bị động, thiếu nhất quán trong việc đặt tên, đổi tên đường, phố, các công trình công cộng. Giải pháp nào để khắc phục những bất cập trên trong bối cảnh đô thị hóa, đường sá đang ngày càng mở rộng và thêm mới là việc làm cần thiết đối với tất cả các địa phương ở Phú Yên.
Phú Yên, từ sau tái lập tỉnh đến nay đã có những bước phát triển tốt, hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, giao thông, các công trình công cộng, các đô thị, trụ sở hành chính được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, các tuyến đường nội thị ngày một khang trang với nhiều khu nhà được xây mới. Tuy vậy, người dân vẫn gọi tên đường, tên phố theo thói quen, chưa được đặt tên một cách khoa học, thậm chí ở không ít đô thị mới của tỉnh, nhiều đường, phố, công trình công cộng chưa được đặt tên; có một số tuyến đường mang những ký hiệu khó hiểu khiến ngay cả không ít người tại địa phương, nhất là những người đi đường, người nơi khác đến gặp nhiều khó khăn khi tìm địa chỉ. Mặt khác, một số tên không hay, không có ý nghĩa, thậm chí phản cảm cũng là những bất cập cần khắc phục.
Mới đây, Sở VH-TT-DL gửi dự thảo đến các đơn vị liên quan lấy ý kiến góp ý việc đặt tên đường thuộc thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa). Cụ thể giai đoạn 1: Tổ chức cắm biển tên cho 31 đường và công trình công cộng đã thi công và hiện có. Theo đó, có 27 danh nhân là lãnh tụ, nhân vật lịch sử, anh hùng liệt sĩ, nhà hoạt động chính trị, nhà thơ, nhà giáo nổi tiếng mang tầm quốc gia, quốc tế... Người địa phương Phú Yên được đặt tên đường tại thị trấn Hòa Vinh chỉ có 5 người là: Lê Trung Kiên, Đỗ Như Dạy, Nguyễn Mỹ, Lê Thành Phương, Phan Lưu Thanh và có 1 công viên, 1 quảng trường, 1 cầu đường bộ đặt tên mang ý nghĩa tại địa phương. Khi đưa ra dự thảo này, Sở VH-TT-DL đã căn cứ vào các nghị định, thông tư, quyết định của cấp có thẩm quyền quy định những tiêu chí đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng nên không có gì sai trái. Tuy còn trong quá trình tổ chức lấy ý kiến trước khi trình cấp thẩm quyền quyết định, song từ một dự thảo cụ thể đặt tên này đã bộc lộ rất nhiều nội dung cần bàn. Theo suy nghĩ của cá nhân người viết bài này, cấp độ đặt tên đường, phố, công trình công cộng của một thị trấn thuộc huyện, cả cấp huyện (thị xã) thuộc tỉnh Phú Yên cần hạn chế tối đa việc lấy tên những nhân vật mà công trạng mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, nhưng không gắn với địa phương trên cả phương diện sinh thành, hoạt động hoặc tư liệu lịch sử. Ví dụ một số nhân vật cần được đặt tên đường, phố, công trình công cộng cho thị trấn Hòa Vinh rất có ý nghĩa nhưng trong dự thảo lại không đề cập tới, như: Lê Thánh Tông, gắn liền với sự tích khắc bài thơ trên núi Đá Bia; Phan Thanh Giản; Nguyễn Trường Tộ, trên đường thiên lý Bắc Nam khi qua đây có những bài thơ cảm tác về công trạng vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Đá Bia. Nhà thơ Hữu Loan với bài thơ nổi tiếng Đèo Cả; các địa danh nổi tiếng liên quan đến những chiến công vang dội như: đánh thắng giặc Pháp với chiến dịch Át Lăng (di tích Núi Hiềm); chiến công Tàu Không số Vũng Rô; những bậc tiền hiền, những nhân vật chí, những anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, những nhà khoa bảng thành danh (đã mất); những người con ưu tú của quê hương Đông Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng chưa được đề cập…
Thiết nghĩ, các đô thị thuộc huyện cần chú trọng những đối tượng có công lao gắn liền với vùng đất từng địa phương, thì ý nghĩa giáo dục của việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng sẽ thiết thực hơn nhiều.
Thứ nhất, mặc dù đã có nghị định của Chính phủ ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, Thông tư của Bộ VH-TT-DL hướng dẫn thi hành, nhưng tỉnh Phú Yên cần ban hành quyết định về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng cho toàn tỉnh, có xây dựng các tiêu chí cụ thể theo cấp độ xếp hạng đô thị để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn phù hợp với thực tế của địa phương. Theo đó việc lựa chọn danh nhân nào, đóng góp như thế nào để đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng rồi đến việc lựa chọn đường, phố, công trình công cộng nào để đặt tương ứng với công lao của danh nhân đó là vấn đề rất quan trọng, cần làm. Hay khi đặt tên đường, khu phố, công trình công cộng nào nên đặt tên danh nhân văn hóa, khu nào đặt tên nhân vật lịch sử cũng cần có tiêu chí cụ thể mang tính định lượng, khoa học thể hiện mối quan hệ giữa tên gọi với vị trí, quy mô, cơ sở hạ tầng… của đường, phố, công trình công cộng. Tiêu chí phải phân định các cấp độ, dựa trên vị trí cả tên gọi và quy mô đầu tư, từ chiều dài, rộng, vị trí trung tâm; công trạng càng lớn thì đường phải dài và rộng…
Thứ hai, cần xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, công trình công cộng cho toàn tỉnh, bởi hiện tại đô thị ở Phú Yên có TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và 9 thị trấn thuộc các huyện; tương lai trước năm 2020, huyện Đông Hòa sẽ phát triển thành thị xã, một số đô thị được xếp loại cao hơn và hình thành thêm một số đô thị mới… Thực tế này đòi hỏi tỉnh phải gấp rút xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, công trình công cộng mới kịp thời đáp ứng tốc độ đô thị hóa. Để thực hiện việc này cần có sự điều tra, lập danh mục đường, phố, công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên, tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng các đường phố, phố, công trình công cộng với sự tham gia của hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia nhiều lĩnh vực chuyên ngành liên quan.
Phú Yên có lịch sử trên 400 năm hình thành và phát triển, trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi và đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc, miền đất này đã xuất hiện rất nhiều nhân vật tài giỏi, đó là những bậc tiền nhân, tiền hiền, những nhân vật lịch sử, nhà hoạt động chính trị, những nhân vật có công lớn với quê hương, đất nước, các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, những nhà khoa bảng, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo tài giỏi… (gọi chung là nhân vật chí). Cùng với đó, rất nhiều địa danh nổi tiếng gắn với chiến trận, địa danh lịch sử, danh thắng, tên núi, tên sông, tên đất, tên làng; thêm nữa là những địa danh, những nhân vật lịch sử của tỉnh Hải Dương kết nghĩa... đều là tài sản vô giá cho việc xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, công trình công cộng của tỉnh nhà.
Thứ ba, việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng phải bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, dân chủ. Mặc dù đã có hội đồng tư vấn, hội đồng xét duyệt việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng cho từng đô thị, song trước khi trình đề án lên cấp thẩm quyền phê duyệt cần có sự đóng góp ý kiến của các ban ngành, đoàn thể cũng như người dân địa phương; nhất là lấy ý kiến nhân dân ở các khu dân cư có tuyến đường, phố, công trình công cộng đề nghị đặt, đổi tên. Qua đó cung cấp, đề xuất tên các nhân vật lịch sử, tên danh nhân tiêu biểu của địa phương bảo đảm chính xác, công bằng khi đánh giá công trạng của các danh nhân, tránh tình trạng nhầm lẫn hoặc bỏ sót, dẫn đến làm giảm ý nghĩa giáo dục truyền thống của việc đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng.
Thứ tư, việc đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị hoặc trong cách gọi tên và nhận biết địa chỉ giao dịch mà còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa lịch sử truyền thống tiêu biểu của một vùng đất hay một địa phương, dân tộc. Vì thế tại mỗi đô thị của tỉnh cần có những hình thức phù hợp phần tóm tắt tiểu sử các nhân vật lịch sử, các anh hùng liệt sĩ, các danh nhân, nhà khoa bảng có công lớn đối với quê hương, đất nước hoặc những sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước để mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ thân thế, sự nghiệp và công trạng của người được đặt tên đường, phố, công trình công cộng tại địa phương mình, góp phần giáo dục truyền thống. Nội dung tóm tắt này có thể đặt tại địa điểm các công trình công cộng của đô thị hoặc tại nhà sinh hoạt văn hóa của từng khu phố để nhiều người cùng tìm hiểu.
Có một thực tế đáng suy ngẫm là không ít người sinh ra và lớn lên ngay tại TP Tuy Hòa, ngày ngày họ vẫn đi lại trên những con đường rất thân quen, họ có thể nhớ từng gốc cây, góc phố, từng quán ăn, từng tiệm tạp hóa, thuộc tên từng vị trí số nhà, biết tên rất nhiều con đường nhưng khi hỏi về lai lịch, công trạng của người được đặt tên đường đó họ lại rất bối rối… Không ai chê trách họ, có chăng là tự trách chúng ta đã chưa làm tròn trách nhiệm để người dân được biết, được hiểu, để từ đó thêm yêu quê hương đất nước mình .
ThS NGUYỄN HOÀI SƠN