Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có liệu lực kể từ ngày 1/1/2017. Theo đó, người sử dụng điện thoại lúc đang lái ô tô và xe gắn máy sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt từ 70.000-800.000 đồng/trường hợp, tùy loại xe. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng nghị định có hiệu lực, thực tế cho thấy nhiều người vẫn vô tư sử dụng điện thoại trong khi đang cầm vô lăng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vừa rồi, nhóm bạn chúng tôi thuê một ô tô taxi 7 chỗ ngồi đi từ huyện Đông Hòa ra gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) để tham quan, du xuân. Trên đường đi, mặc dù đường rất đông người, nhưng tài xế chỉ lái xe một tay, tay còn lại nhắn tin điện thoại. Chúng tôi ngồi trên xe mà lòng rất lo sợ, vì nếu có chuyện gì xảy ra thì tài xế sẽ không xử lý kịp tình huống. May mắn là chuyến du xuân đó chúng tôi về nhà an toàn.
Không chỉ tài xế ô tô taxi, mà cả tài xế ô tô khách đường dài cũng vừa lái xe, vừa gọi điện thoại. Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, trong suốt hành trình từ TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa, tôi chứng kiến cảnh tài xế liên tục nghe điện thoại, khiến hành khách ngồi trên xe đều cảm thấy bất an.
Đây là hai trong rất nhiều ví dụ về việc tài xế ô tô vừa lái xe, vừa nghe điện thoại, mất tập trung, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Hiện nay, các hãng xe taxi, xe khách, công ty vận tải đều có lắp camera giám sát hành trình. Do vậy, cảnh sát giao thông cũng dễ dàng phối hợp với các đơn vị vận tải để lấy chứng cứ xử phạt tài xế vi phạm. Thiết nghĩ trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục cho người dân ý thức chấp hành tốt các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấm sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe và chế tài đối với những trường hợp vi phạm.
LÊ TẤN VINH
(xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa)