Mới 6 giờ sáng nhưng ông bạn thân đã gọi điện xin không dự buổi cà phê chủ nhật thường lệ của nhóm tại quán cóc quen thuộc vì bận chút việc nhà. Hỏi là việc gì thì ông nói cũng không quan trọng lắm nhưng cần phải làm rồi cúp máy cái rụp!
Chiều, gặp lại ở đám giỗ nhà hàng xóm, ông mới nói rõ lý do của vụ “trốn” cà phê vừa rồi, thì ra là đưa cháu đi chơi. Ông cho biết: Tuy cháu nội đích tôn mới học mẫu giáo lớn nhưng lịch học ngó bộ cũng… dày lắm. Cả tuần từ thứ hai đến thứ sáu học ở trường mầm non, chiều tối tan lớp còn phải đi học aerobic. Những ngày thứ bảy, chủ nhật nghỉ ở trường mầm non thì sáng học ở trung tâm tiếng Anh từ 9 giờ 15 đến 11 giờ 15, chiều học IQ cũng ở trung tâm từ 17-18 giờ! Ông nói mới mẫu giáo mà việc học coi bộ quá bù đầu, sau này lên tiểu học, THCS thì càng “căng” hơn! Vì thế phải gấp rút có biện pháp cải thiện, nếu không thì “nguy” lắm. Học nhiều, trẻ sẽ mụ mẫm do phải nạp nhiều thứ khiến đầu óc căng thẳng dẫn đến khó khăn, mỏi mệt trong tiếp thu kiến thức. Như thế, việc học về lâu dài đối với trẻ sẽ là cực hình và dễ nảy sinh nhiều hệ lụy. Biện pháp cải thiện mà ông bạn tôi đề cập chính là phải bố trí thời gian để dẫn cháu đi chơi đó đây. Vì vậy, sáng chủ nhật vừa rồi, từ 7-8 giờ 30, ông đưa cháu lên tháp Nhạn ở phường 1 (TP Tuy Hòa). Ông kể: Nhìn cháu tung tăng, nhảy nhót, khám phá chỗ này chỗ nọ, làm quen với bạn mới gặp…, mới thấy thương làm sao. Khi ông cháu đi bộ xuống núi, nó nói ông nội ơi tuần sau lại cho con lên núi nữa nghe. Lên đây con thích lắm, có tháp đẹp, có hoa đẹp, lại gặp nhiều bạn, vui lắm… Rồi ông kết luận: Tôi thấy trẻ con bây giờ hưởng lợi nhiều thứ nhưng cũng thiệt thòi nhiều quá. Cha mẹ cứ bắt chúng vùi đầu lo học mà không cho chúng nó trải nghiệm, thưởng thức cuộc sống chung quanh thì làm sao phát triển toàn diện được. Do vậy, có lẽ tôi sẽ tạm biệt cái hội cà phê chủ nhật của chúng ta để dành thời giờ dắt cháu đi chơi nhiều hơn. Đây là hoạt động có nhiều lợi ích thiết thực như giúp con trẻ thư giãn đầu óc sau những giờ học tập mệt mỏi và trở nên năng động, khỏe mạnh hơn. Đồng thời qua thăm thú đó đây, con trẻ sẽ hiểu biết thêm về nơi mình đang sống, sẽ lớn lên và trưởng thành, sẽ yêu thương, gắn bó hơn với gia đình và cộng đồng. Đây cũng là một cách góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho trẻ vậy. Sắp tới, tôi sẽ bàn cụ thể với cha mẹ cháu về chuyện này, nghĩa là làm sao mỗi tuần sắp xếp việc học cho phù hợp để bố trí đưa cháu đi chơi, đi thăm những nơi khác nhau, xa hơn như gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An chẳng hạn. Rồi đi thăm chùa, nhà thờ, đi công viên, xuống biển… nói chung là những nơi và những điểm tham quan có lợi cho sự vận động và phát triển, nâng cao hiểu biết cho cháu, ông à!
Câu chuyện dẫn cháu đi chơi của ông bạn tôi thật ra không mới. Nhưng nó cũng không cũ vì lâu nay, nhiều gia đình có con trẻ chưa hề chú ý đến vấn đề này, nhất là những nhà ở thành phố. Có thể thấy hầu hết gia đình ở phố thị đều chạy đua chung quanh việc bắt con trẻ học chữ và học đủ thứ cho bằng bè bằng bạn. Họ cho rằng nếu con mình ngoài học chính khóa mà không đi học thêm thì sẽ thua các bạn trong lớp, mà như vậy thì thật là… không chấp nhận được! Họ quên rằng, ngoài việc học ra, trẻ con còn có nhu cầu vui chơi, giải trí, khám phá để hiểu biết và yêu thương thế giới chung quanh. Qua đó, trẻ đảm bảo sức khỏe tốt hơn để có thể trụ vững trên con đường học tập, lao động dài lâu sau này. Vì thế, đã đến lúc, các bậc cha mẹ cần chú ý cân bằng việc học và vui chơi của con em, nhất là lứa tuổi thiếu nhi, để đảm bảo các cháu được phát triển toàn diện cả tinh thần lẫn thể chất vậy.
NGUYỄN VĂN HOAN
(phường 2, TP Tuy Hòa)