Sau mưa lũ, nhà cửa, tài sản của bà con các địa phương trong tỉnh bị hư hại nặng, đời sống trở nên khó khăn. Ngay sau đó, nhiều đoàn từ thiện của các nhà sư, phật tử hảo tâm ở khắp nơi trong nước đã kịp thời đến sẻ chia với bà con nghèo vùng mưa lũ, giúp họ ấm lòng, vơi bớt khó khăn.
Đại đức Thích Chỉnh Độ, Phó Ban Từ thiện chùa Pháp Vân (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) trao tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ xã An Hiệp (huyện Tuy An) - Ảnh: KIM LIÊN |
Hòa thượng Thích Thiện Đạo, trụ trì chùa Phi Lai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), năm nay đã 74 tuổi, mặc dù tuổi cao nhưng các hoạt động nhân đạo, từ thiện được ông thực hiện ở nhiều tỉnh trong cả nước. Đối với Phú Yên - nơi diễn ra cuộc Đồng khởi (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) cũng chính là nơi ông sinh ra và lớn lên. Nặng lòng với quê hương khi biết đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, nhất là khi nghe đồng bào miền Trung bị lũ lụt đầu tháng 11 vừa qua, hòa thượng Thích Thiện Đạo luôn trăn trở, tìm cách kêu gọi, vận động để cứu trợ đồng bào. Trong 2 tuần, hòa thượng đã kết nối, vận động các tấm lòng phật tử ở TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa và TP Tuy Hòa… để trao 1.300 suất quà cho đồng bào nghèo. Trong đó, có 1.000 suất bằng tiền mặt (300.000 đồng/suất) được trao cho đồng bào vùng lũ lụt ở các xã An Hòa, An Hiệp, An Thạch (huyện Tuy An); Xuân Long, Xuân Quang 2, Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) và 300 suất quà (trị giá 500.000 đồng/suất) cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của buôn Thô, buôn Thu (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh). Nhận phần quà gồm gạo, mì ăn liền, dầu ăn, đường, bột ngọt và các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày, Mí Len (buôn Thô) mừng vui, nói: “Mưa nhiều ngày quá, nhà thì hết gạo, hết tiền. Được chính quyền địa phương gửi giấy mời đi nhận quà, tôi mừng quá không ngủ được, mong cho tới sáng để đi nhận quà. Tôi rất biết ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ”. Còn ông Lê Văn Bảy ở thôn Hội Tín, xã An Thạch (huyện Tuy An) nhận được tiền hỗ trợ cũng vui mừng không kém, thổ lộ: “Mưa lũ cuốn trôi hoa màu, cây giống không biết xoay xở thế nào. Nhờ có các nhà sư đến giúp, gia đình tôi có tiền mua lúa giống nên yên tâm rồi”.
Hòa thượng Thích Ấn Chánh, trụ trì chùa Pháp Hội (TX La Gi, tỉnh Bình Thuận) cũng đã huy động các nhà hảo tâm mang 6 tấn gạo, 600 thùng mì ăn liền và 600 suất quà cứu trợ cho đồng bào vùng lũ lụt xã An Dân (huyện Tuy An). Ban Từ thiện Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Nam cùng các phật tử chùa Từ Tâm (tỉnh Quảng Nam) tặng 500 suất quà cho bà con vùng lũ xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) với tổng giá trị 175 triệu đồng. Đại đức Thích Chỉnh Độ, Phó Ban Từ thiện chùa Pháp Vân (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) trao 400 suất bằng tiền mặt (300.000 đồng/suất) cho đồng bào vùng lũ huyện Tuy An. Thượng tọa Thích Đồng Phương, trụ trì chùa Kim Cang (TP Tuy Hòa) trao 6 tấn gạo, 600 suất quà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số các xã Cà Lúi, Sơn Hội, Sơn Phước, Ea Chà Rang và thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa)…
Nhiều phật tử, nhà hảo tâm đi cứu trợ đồng bào cùng với các nhà sư đã không giấu được sự xúc động. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, một nhà giáo nghỉ hưu ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), thổ lộ: “Tận mắt chứng kiến nhân dân miền Trung bị thiên tai tàn phá mà thương đến quặn lòng. Chuyến đi giúp bà con vượt qua khó khăn cũng chính là trải nghiệm của tôi đối với cuộc sống này”. Còn chị Võ Thị Kim Hồng ở phường 7, TP Tuy Hòa, bộc bạch: “Nhìn thấy ánh mắt, nụ cười vui vẻ, lời cảm ơn chân tình của bà con vùng lũ, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và hạnh phúc vô bờ. Mong có nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để sẻ chia với bà con nghèo vùng lũ lụt”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Xuân Nguyễn Thị Thanh Thủy, bày tỏ: “Chúng tôi trân trọng cảm ơn tấm lòng của các nhà sư, các tấm lòng vàng đã đồng lòng, chung sức hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với bà con nghèo vùng lũ lụt, giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Các chuyến hàng từ thiện nối tiếp nhau về giúp nhân dân của các nhà sư thật ý nghĩa và đáng quý”.
Những việc làm thiết thực giúp đồng bào vùng thiên tai của các nhà sư luôn có sự đồng hành chia sẻ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm gần xa. Những việc thiện mà các nhà sư đang làm cũng chính là sợi dây thân ái kết nối tình cảm của những tấm lòng thiện nguyện với nhau. Việc làm hữu ích cho cộng đồng cũng chính là phương châm, tôn chỉ “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo.
KIM LIÊN