Khoảng 1 giờ ngày 10/12, tài xế Nguyễn Dựng (SN 1972, trú TP Huế, Thừa Thiên - Huế) điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 75K - 3887 qua đèo Quán Cau (xã An Hiệp, Tuy An) trên quốc lộ 1 theo hướng nam - bắc, do xe chở nặng và chất hàng hóa quá cao nên khi đến km 1309+500 xe nghiêng hẳn sang một bên.
Nhờ sự giúp đỡ của người dân ở đèo Quán Cau (xã An Hiệp, Tuy An, Phú Yên) nên chiếc xe chở hàng không bị lật - Ảnh: N.ĐẶNG
Nếu tiếp tục vượt đèo thì việc xe bị lật là không tránh khỏi, hàng hóa sẽ đổ ập xuống đường, có thể nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và mất an toàn cho các phương tiện đang lưu thông trên đường, nên tài xế rời khỏi ca bin, chạy đến các hộ dân ven đường gọi cửa, nhờ giúp đỡ. Mặc dù lúc này trời khuya rất lạnh, nhiều người đang ngon giấc nhưng trước tình huống “giữa đường gặp nạn” của người tài xế nói giọng Huế; “thương người như thể thương thân”, bà con sống hai bên đường đã cùng nhau khẩn trương tìm trụ gỗ, trụ tre giúp tài xế chống đỡ, không để xe bị lật.
Trước đó 1 tuần, vào trưa 4/12, tại vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai), một chiếc xe tải chở hàng gặp nạn, hàng ngàn thùng bia đổ ào xuống đường. Thay vì giúp đỡ tài xế đưa lại hàng lên xe, nhiều người coi đây là cơ hội, là “lộc trời cho”, đua nhau thu lượm, vơ vét cái không phải của mình về mình. Mặc cho người tài xế ngơ ngác, van xin, mếu máo, lo sợ trước khoản đền bù khổng lồ, thậm chí, còn phải đối mặt với cảnh lao tù nếu không đền được, gần 1.500 thùng bia đã bị những người hôi của đưa về nhà giữa thanh thiên bạch nhật. Có người còn đánh cả xe ba gác đến để chở bia về nhà. Sự việc này đã làm dậy sóng dư luận. Nhiều người lên án hành động “hôi bia” này, như: “Hoạn nạn xảy ra, không giúp đỡ đã thấy hổ thẹn với lương tâm, sao lại còn lao vào cướp giật?”. “Sao người ta có thể bê những thùng bia đi với khuôn mặt rạng rỡ, mặc những giọt nước mắt đau khổ của người bị nạn (tài xế)?!”. “Cướp của người bị nạn về làm giàu ư? Sao họ có thể nuốt trôi mồ hôi nước mắt của người khác? Tại sao xã hội ngày càng nhiều những kẻ siêng ăn nhác làm thế này!?”. “Khi uống những lon bia đó, hương vị của nó như thế nào? Những người hôi của đã tự xóa đi nhân cách của mình”. “Văn hóa người Việt ta đã dần bị mai mòn bởi một lối sống vô cảm và cá nhân. Thế giới sẽ nhìn người Việt thế nào?”
Đúng như những lời chỉ trích trên của cộng đồng mạng, nhưng theo tôi, sự việc “hôi bia” ở Tam Hiệp (Biên Hòa) chỉ là một bộ phận rất nhỏ, là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhất thời làm cho hình ảnh người Việt Nam xấu đi trong mắt chính người dân ta và bạn bè quốc tế. Còn từ trong sâu thẳm của cội nguồn văn hóa dân tộc, người Việt Nam vẫn hết lòng yêu thương đùm bọc, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Điều này được chứng minh qua hành động của những người dân ở hai bên đèo Quán Cau (huyện Tuy An, Phú Yên), giữa đêm khuya nhưng họ không ngại thời tiết giá rét, cùng nhau giúp đỡ người tài xế khắc phục sự cố, không để xe bị lật. Và không chỉ người dân Phú Yên làm được điều này. Trước đó, tại tỉnh Sóc Trăng cũng có một xe chở bia bị lật, người dân xung quanh đã chung tay giúp đỡ tài xế. Một câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra tại Đà Nẵng. Những chai bia bị đổ ra đường được người dân thu gom lại, trả cho người bị nạn khiến ai ai cũng phải cảm động.
Cũng xin nói thêm rằng, thời điểm chiếc xe chở hàng qua đèo Quán Cau có nguy cơ bị lật là khoảng 1 giờ sáng. Thời điểm này, nếu người dân ở đây có lòng tham hoặc thờ ơ với người tài xế, khi xe bị lật, hàng hóa bung ra giữa đường thì “cơ hội” để hôi của nhiều hơn. Nhưng với bản chất thật thà, chất phác, người dân nơi đây đã không mảy may một chút cơ hội dù trong suy nghĩ.
NGA ĐẶNG