Thứ Hai, 30/09/2024 08:33 SA
Rồi mùa xuân sẽ về
Thứ Năm, 15/02/2007 16:31 CH

Dù nghìn lần không muốn, họ vẫn phải đón tết tại đây. Không có mái ấm gia đình, không có người ruột rà thân thiết, chỉ có những người cùng cảnh ngộ và các thầy, cô của Trung tâm. Họ sẽ rất nhớ nhà và tủi thân, nếu không được sự động viên, được sưởi ấm bởi tấm lòng của những người làm công tác giáo dục và hướng thiện.

 

070216-lao-dong.jpg

Các đối tượng 05 lao động tại Trung tâm

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết trong 23 đối tượng 05 đang được giáo dục tại Trung tâm xã hội tỉnh Phú Yên, có một đối tượng đã... hai lần đón tết ở đây. Bị bắt lần thứ ba vào giữa năm 2006, M. biết chắc mình sẽ phải tiếp tục ăn tết ở trong này. Cô rụt rè kể: “Tết năm ngoái, chỉ có em với một người nữa ở đây. Năm trước thì đông người hơn, vui hơn.” Tôi biết M. nói thế thôi, chứ vui làm sao được khi năm hết tết đến mà không được quây quần sum họp với gia đình. M. mới 25 tuổi, vậy mà đã sống xa nhà ngót  6 năm! Cái nghèo đã xô đẩy cô gái trắng trẻo mũm mĩm này trở thành gái ăn sương. Người cha làm nghề bốc vác và người mẹ buôn bán lặt vặt kiếm không đủ tiền nuôi bầy con 6 đứa. M. học chưa qua lớp 1, chẳng có gì ngoài chút nhan sắc.

 

Nghe bạn bè rủ rê, cô gái bỏ nhà ra Phú Yên bán quán, thế rồi nhẹ dạ đưa chân tự lúc nào. Nguy hiểm hơn là bao năm làm nghề, M. chẳng biết gì về AIDS. “Tới chừng vô Trung tâm, được học, em mới hiểu chút ít” - M. thiệt thà kể.  So với các đồng nghiệp thì L. - tuy nhỏ tuổi nhất trong nhóm - nhưng lại “nhiều chữ nghĩa” nhất, vì đã học đến lớp 9. Không có cha, cũng không còn mẹ, người thân duy nhất của L. là đứa em gái đang sống với cha mẹ nuôi. Còn L., cô không còn nơi nào để về. Có lẽ vì thế nên cô  chỉ thấy “buồn một chút” khi phải ăn tết ở trong này. Vào Trung tâm xã hội từ tháng 5/2006 đến nay, L. học may và đã may được quần áo. Tôi thật ngạc nhiên khi nghe L. bảo: “Sống ở ngoài thoải mái hơn, nhưng ở trong này vui vẻ hơn!” Hoá ra khi ở ngoài, năm hết tết đến, L. vẫn phải làm nghề. Ngay cả trong ngày mùng một tết, khi thiên hạ nô nức chúc tết du xuân, L. vẫn không nghỉ việc. 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người con gái, nhưng L. đã nếm trải quá nhiều cay đắng bẽ bàng.

 

Lớn hơn L. một tuổi, cô gái Thái tên H.A- đang đỏ mắt nhớ nhà. Cô là con thứ ba trong một gia đình có 5 anh em, bố mẹ làm nông. Nhà nghèo nên mới học đến lớp 2 thì phải nghỉ học. Rồi H.A rời nhà đi giặt giũ bưng bê thuê cho người ta, kiếm mỗi tháng 200 - 300 ngàn. Theo người chị họ, H.A vào Sông Cầu được 5 ngày thì bị bắt. Nhưng cô gái có gương mặt tròn, đôi mắt tròn như trẻ thơ không tỏ ra bi quan. H.A nói: “Vào đây, em được cô, thầy dạy nhiều điều tốt”. Đây là lần đầu tiên ăn tết xa nhà nên H.A rất nhớ bố mẹ, anh em. Ông Huỳnh Phước Thái, Giám đốc Trung tâm xã hội tỉnh Phú Yên - cho biết: Trong 23 đối tượng mà Trung tâm đang quản lý giáo dục, có 11 đối tượng là dân địa phương, 4 người ở Khánh Hoà, 2 người ở Bình Thuận, còn lại mỗi người một xứ: Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đắc Nông, An Giang.

 

Biết rằng không ai muốn ăn tết xa gia đình nên Trung tâm, trong khả năng có thể, tổ chức họ có một cái tết vui và ấm cúng. Theo “truyền thống”, sáng đầu năm, chúc tết xong, cán bộ Trung tâm xì lì tiền mới cho các đối tượng. Tiếp theo là chương trình sinh hoạt văn nghệ, cán bộ Trung tâm cũng tham gia ca hát với chị em. Văn nghệ xong, chị em chơi cầu lông, chuyền bóng hoặc xem ti vi. Tết ở đây tất nhiên không tưng bừng rộn rã như bên ngoài, song cũng ấm cúng với bánh mứt, với lời ca tiếng hát. Khẩu phần ăn trong ba ngày tết cũng thịnh soạn hơn (theo quy định của nhà nước là 12.000 đồng/ngày). Bên cạnh đó, không như lệ thường, thân nhân của các đối tượng chỉ được thăm vào ngày 15 và 30 hàng tháng, trong mấy ngày tết, Trung tâm tạo điều kiện cho người nhà đến thăm, động viên các đối tượng. H.A khẽ khàng thổ lộ với tôi: “Khi nào được cho về, em sẽ về nhà giúp bố mẹ. Vào đây xa nhà, xa bố mẹ, nhớ lắm”.

 

Còn với L., cô gái có gương mặt xinh xắn song trông già dặn hơn tuổi 18, tôi hỏi một câu như tôi vẫn thường hỏi các cô gái ở đây: “Em có định chuyển nghề không?” Hỏi mà không tin tưởng, vì hầu hết cô nào cũng gật đầu, cũng hứa hẹn, nhưng rồi thời gian sau, một số người phải trở lại trung tâm; người không bị bắt cũng chẳng phải đã bỏ đường cũ, mà đơn giản là họ chuyển đến tỉnh khác làm nghề. Vậy nên khi L. gật đầu: “Em tính sẽ tìm công việc gì đó để làm”, tôi buột miệng: Nhưng tiền kiếm được sẽ ít đấy. L. nói, rất nhỏ, tiếng của cô như muốn nghẹn trong cổ: “Ít, nhưng mà có giá trị, chị à.”  Lời của L. khiến tôi thật sự xúc động. Tôi lại tin rằng mùa xuân, dẫu có muộn màng, cũng sẽ về với những cô gái từng lỡ bước sa chân...

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hóc Gáo chiều cuối năm
Thứ Sáu, 16/02/2007 08:30 SA
Nét xuân làng Suối Trưởng
Thứ Năm, 15/02/2007 14:42 CH
Tết xứ người vẫn ấm áp tình quê
Thứ Năm, 15/02/2007 07:00 SA
Sắc xuân làng cát Hòa Hiệp Bắc
Thứ Tư, 14/02/2007 14:14 CH
Chăm lo tết cho người nghèo
Thứ Ba, 13/02/2007 07:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek