Trong tiết xuân se se lạnh ở miền sơn cước, tôi nghe văng vẳng lời ngân nga của ai đó hòa cùng âm thanh róc rách của dòng Suối Trưởng đổ về sông Kỳ Lộ:
Em là sơn nữ Chăm Hroi
“Bắt” chàng lội suối sóng đôi về làng
Dã quỳ đưa lối rực vàng
Đường xuân vào hội thênh thang gió cười
Bình minh Suối Trưởng sáng ngời
Về đây sum họp cuộc đời ấm no…
Mó Hiền cùng lũ trẻ đi chơi xuân, hái hoa dã quỳ bên đường làng Suối Trưởng. - Ảnh: N.LƯU
Thoáng trông trước mặt một người đàn bà tuổi ngoại lục tuần (sau mới biết tên là Mó Hiền), cổ mang vòng kiềng, đầu chít khăn, cùng lũ trẻ đang dung dăng dung dẻ trên đường, rồi ca hát, rồi hái hoa dã quỳ, rồi lội suối vốc nước văng tung tóe… Tôi theo chân họ vượt dốc về làng Suối Trưởng. Mó Hiền trông rắn rỏi, giỏi giang, tháo vát, nhoẻn nụ cười đen nhánh, nói: “Ngày ngày làm trên rẫy, trên nương, mỏi cái tay, còng cái lưng, bây giờ mùa xuân đến rồi, già đi chơi cho quên cái mệt nhọc…”. Rồi Mó Hiền chỉ tay về phía trước: “Làng Suối Trưởng kia kìa, đẹp không?”. Ngôi làng nhỏ nhắn nhưng xinh xắn, nằm vắt mình trên sông Kỳ Lộ và tựa lưng vào dãy núi Bình Ấm quanh năm vờn mây!… Tôi trông Suối Trưởng như một “phố núi” thu nhỏ, bởi ở đây chỉ có 51 nóc nhà, nhưng đều nhà xây, nền xi măng hoặc ốp men, ngói đỏ tươi; ở đây đã có điện, đường, trường, nước sạch đến tận mỗi nhà. Suối Trưởng còn có một môi trường sạch đẹp, một nếp sống mới văn minh hơn một số làng dân tộc thiểu số khác… Bên vồng hoa vạn thọ đang rung rinh trong gió xuân trước hiên nhà vừa mới xây, Mó Hiền cười vui như Tết: “Cả đời lam lũ mới có căn nhà khang trang, tui ưng cái bụng lắm. Chưa bao giờ bà con được sum họp và no đủ như xuân này, ai ai cũng chuẩn bị heo, gà, rượu ché… để mở hội cồng chiêng, để “say” ba ngày Tết”!
Chuyện trò quanh ấm trà đậm đặc, già làng Ma Chiên cho biết: Trước đây, làng dân tộc Chăm Hroi này đói nghèo lắm, đường sá đi lại cách trở, phải ăn cơm độn, uống nước suối, thắp đèn dầu… Nhưng từ khi Nhà nước đầu tư các chương trình trung tâm cụm xã miền núi, xóa nhà tạm… một luồng sinh khí mới đã tiếp sức cho người dân sớm “đổi đời”. Đến mùa xuân này, dù cái đói, cái nghèo vẫn còn ở một số nhà dân, nhưng niềm vui lớn nhất của tất cả dân làng Suối Trưởng là không còn ai phải sống trong căn nhà tạm bợ; không phải hì hục đi xa lấy nước sông suối, mà sử dụng nước sạch ở ngay cạnh nhà mình. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, phân, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất, nên bà con đầu tư phát triển sản xuất hàng trăm ha mía, sắn, bắp và chăn nuôi bò đàn mang lại thu nhập khấm khá… Ông Tạ Đức Kính, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cũng có mặt ở đây chen vào: “So với các làng dân tộc thiểu số khác trong xã Xuân Quang 1, Suối Trưởng được Đảng và Nhà nước đặc biệt ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nhiều mặt, thêm vào đó bà con siêng năng lao động, nên đời sống tinh thần và vật chất được cải thiện một bước rõ rệt. Điều tôi luôn trăn trở là Suối Trưởng có địa hình khá phức tạp, nên không thể xây dựng công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất lúa nước, cây màu. Để ổn định kinh tế của bà con được lâu dài, xã vận động từng hộ dân phát triển các loại cây công nghiệp kết hợp với trồng rừng và chăn nuôi gia súc theo quy mô trang trại”…
Chiều về, nắng xuân phớt qua ngoài cửa sổ, rớt nhẹ trước những hiên nhà mới toanh. Những chùm hoa vạn thọ, hoa dã quỳ thêm rực vàng bên đường làng Suối Trưởng, bên những núi đồi thung sâu. Tôi chia tay người dân Chăm Hroi nặng tình, mến khách và tin rằng mai này, cuộc sống của họ sẽ no đủ hơn, góp sức xây dựng làng Suối Trưởng trở nên trù mật, vươn dài theo triền núi Bình Ấm hữu tình và nên thơ!
LƯU PHONG