Chủ Nhật, 06/10/2024 15:18 CH
Nghĩ về nghề báo
Thứ Sáu, 21/06/2013 07:50 SA

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), không chỉ để xã hội nhìn nhận đánh giá vai trò của báo chí đối với xã hội mà còn là dịp để người làm báo, cơ quan báo chí tự vấn đã làm được gì trong dòng chảy phát triển của đất nước.

 

Lao động báo chí là công việc gian khổ, chịu nhiều áp lực và thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nên hầu hết những người đến với nghề báo xuất phát từ sự đam mê. Họ muốn trở thành người lính trinh sát cuộc sống; được tiếp cận đầu nguồn sự kiện để thông tin cho công chúng một cách nhanh nhất, trung thực nhất những sự kiện mới nảy sinh trong đời sống xã hội. Lao động báo chí được thể hiện thông qua tác phẩm báo chí tác động đến dư luận xã hội. Và đó là tấm gương phản chiếu quá trình lao động của nhà báo.

 

Càng gắn bó với nghề, nhà báo càng thấy trách nhiệm xã hội to lớn của mình. Không chỉ phát hiện, đưa đến công chúng những cái hay, cái đẹp, cái tích cực trong cuộc sống; nhà báo còn phải dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm để đưa ra ánh sáng công luận những cái xấu, cái ác nhằm góp phần xây dựng xã hội lành mạnh.

 

Tuy nhiên, ngày nay, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, xu hướng “thương mại hóa”, “tầm thường hóa” báo chí như đưa tin giật gân, câu khách đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người làm báo. Đâu đó vẫn có hiện tượng nhà báo viết không đúng sự thật, thậm chí bóp méo sự thật vì tư lợi. Đây là biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp nguy hiểm nhất vì nó đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của nghề báo và phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của lao động báo chí là tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật và bảo vệ sự thật. Điều này, xuất phát do nhà báo “mắt không sáng” yếu kém về năng lực và xa hơn là “lòng không trong” vì vụ lợi, bị các lợi ích cá nhân chi phối nên đã uốn cong ngòi bút.

 

Trước thực trạng đó, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, với 9 “điều răn” cụ thể về đạo đức nghề báo. Đây được ví như lời thề Hyppocrate trong ngành Y. Tuy nhiên, để người làm báo không vi phạm đạo đức nghề báo, bên cạnh ý thức rèn luyện, tu dưỡng của mỗi bản thân nhà báo; điều quan trọng không kém là phải tạo ra một môi trường báo chí lành mạnh từ cơ quan báo chí đến xã hội để nhà báo tự hào về nghề, được xã hội bảo vệ, sống ổn định bằng nghề. Từ đó, họ vững tin, yên tâm ra sức cống hiến mà không phải lo nghĩ đến việc phải đối phó với những “điều răn”.

 

Với sự thành lập Báo Thanh Niên ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Theo quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo cách mạng trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội nghiêm túc, có lập trường chính trị vững vàng, thường xuyên quán triệt sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà báo muốn tiến bộ, viết hay, thì phải ra sức học tập và rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo cách mạng phải nhạy bén với sự vận động phát triển của đất nước; có lòng say mê nghề nghiệp; luôn đứng về công lý, lẽ phải; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Và lời dạy sâu sắc của Bác: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thếno?” vẫn giữ nguyên giá trị đối với thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.

 

MAI ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek