Được triển khai từ năm 2010, đến nay, mô hình hỗ trợ vay vốn dành cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam của Hội Cựu học sinh trung học (CHSTH) Phú Yên phối hợp với Báo Phú Yên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Đây là một trong những việc làm hết sức ý nghĩa nhằm trợ giúp cho các gia đình nạn nhân da cam/dioxin vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Anh Thân Ngọc Tý (thôn Bình Chính, xã An Dân, Tuy An) đã mở tạp hóa từ vốn mượn của Hội CHSTH Phú Yên để ổn định cuộc sống - Ảnh: K.ANH
HIỆU QUẢ TÍCH CỰC
Với nhiều việc làm có ý nghĩa như vận động quyên góp để giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật hoặc triển khai nhiều mô hình công ích, từ thiện khác, Hội CHSTH Phú Yên còn được nhiều người biết đến qua chương trình hỗ trợ vay vốn dành cho những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, chương trình được thực hiện ở 2 huyện Đông Hòa và Tuy An với tổng số tiền 150 triệu đồng; trong đó, huyện Tuy An có 90 triệu đồng do Hội CHSTH Phú Yên hỗ trợ cho 18 gia đình và 60 triệu đồng tặng cho nạn nhân da cam ở huyện Đông Hòa do Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp Phú Yên (PYGEMACO) nay là Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí và Công ty Điều Phú Yên hỗ trợ cho 12 gia đình, với mục đích giúp các gia đình có được nguồn vốn ban đầu để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhằm ổn định cuộc sống. Tuy không nhiều nhưng với số tiền 5 triệu đồng/hộ, các gia đình được mượn (lãi suất 0%) đã sử dụng rất có hiệu quả; đến nay gia đình nào cũng vươn lên trong cuộc sống.
Anh Thân Ngọc Tý, ở thôn Bình Chính, xã An Dân (Tuy An) tâm sự: Tôi bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ nên mang nhiều bệnh tật bẩm sinh, không làm được những công việc nặng nhọc. Con gái đầu lòng bị bệnh xương thủy tinh. Để trang trải nhu cầu tối thiểu của gia đình, cộng với tiền chữa trị bệnh cho con hàng tháng, vợ chồng tôi phải xoay xở khắp nơi. Cách đây 3 năm, tôi được mượn 5 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội CHSTH Phú Yên, vay thêm tiền của người thân, tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Kiếm được ít tiền lời, tôi tiếp tục mở tiệm sửa chữa điện tử. Từ hai nguồn thu nhập trên, cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước”. Còn chị Đỗ Thị Huỳnh Chánh, khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) thổ lộ: Mẹ tôi bị bệnh tâm thần nặng vì bị nhiễm chất độc da cam, gia đình chỉ trông cậy vào số tiền ít ỏi mà tôi kiếm được hằng ngày. Song số tiền ấy chẳng là bao, chỉ đủ lo bữa cơm đạm bạc trong ngày. May mắn đến với gia đình tôi, cách đây 3 năm tôi được mượn vốn để làm ăn từ nguồn hỗ trợ này. Sau khi nhận số tiền ấy về, tôi mua 1 con bò nghé. Đến nay, con bò này đã sinh được 2 con nghé; tôi bán kiếm tiền. Có được khoản lời, tôi trả lại 5 triệu đồng vốn cho hội và còn dư được 25 triệu đồng. Tôi rất biết ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ mẹ con tôi trong lúc khó khăn nhất”.
Theo ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tuy An, hầu hết các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, được mượn vốn đều biết cách sử dụng nguồn vốn hợp lý và đã cải thiện được đời sống, vươn lên thoát nghèo. Đó là điều hết sức đáng mừng. Đặc biệt, người dân cũng phát huy trách nhiệm cao trong việc bảo quản vốn mượn và nộp lại cho hội theo đúng thời hạn quy định.
NỖ LỰC NHÂN RỘNG MÔ HÌNH
Sau 3 năm triển khai, đến nay nguồn vốn ban đầu của hội đã được thu hồi và giao lại cho các gia đình nạn nhân da cam/dioxin khác vay. Ông Trần Văn Min, ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (Tuy An) được mượn vốn lần này xúc động: Tôi rất vui mừng và biết ơn các tổ chức đã giúp đỡ chúng tôi. Được nhận số tiền này, tôi hứa sẽ sử dụng có hiệu quả, không phụ lòng các nhà hảo tâm. Ông Nguyễn Hoài Phương cho biết thêm: Đây là mô hình từ thiện rất hữu ích, mang lại hiệu quả thiết thực cho các gia đình kém may mắn. Với những thành tích như hiện nay, người dân, chính quyền địa phương nói chung và Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện nói riêng hết lòng ủng hộ cho chương trình; mong muốn nguồn vốn ưu đãi này sẽ ngày càng được nâng cao để khích lệ tinh thần phấn đấu của các gia đình nạn nhân.
Theo ông Phan Long Côn, Phó chủ tịch Hội CHSTH Phú Yên, những thành quả bước đầu đạt được là niềm vui mừng của các thành viên trong hội; song cũng không ít những khó khăn đặt ra. Từ sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân, hội đã nỗ lực kêu gọi sự đóng góp của cựu học sinh trung học tại địa phương và đang sinh sống ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài… Trong thời gian đến, hội sẽ lập kế hoạch cụ thể cho chương trình vận động này. Nếu được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ, hội sẽ duy trì và mở rộng phạm vi của mô hình hỗ trợ vốn cho nạn nhân da cam/dioxin sang các địa phương khác để tất cả nạn nhân trên địa bàn tỉnh đều được giúp vốn đầu tư làm ăn, từng bước thoát nghèo, vươn tới ổn định cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Phú Yên bộc bạch: Là tổ chức đại diện của các nạn nhân, chúng tôi cũng sẽ bám sát tình hình thực tế, xem xét các trường hợp cụ thể và lập danh sách để các gia đình được mượn vốn nhằm tạo điều kiện để họ giảm bớt khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, đơn vị sẽ theo dõi việc sử dụng vốn; hướng dẫn, nhắc nhở bà con đầu tư đúng mục đích để đạt được hiệu quả thiết thực; nâng cao tinh thần, trách nhiệm cùng người dân trong quá trình bảo vệ vốn mượn.
KHANG ANH