Mặc dù mới vào đầu hè nhưng trên địa bàn Phú Yên đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh xã hội, người dân, các bậc cha mẹ và bản thân trẻ em về phòng chống đuối nước.
Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tập bơi - Ảnh: HÀ MY
NHỮNG CÁI CHẾT ĐAU LÒNG
Một tuần sau khi xảy ra vụ đuối nước tại bãi biển phường 7 (TP Tuy Hòa) làm cho hai học sinh Dương Tiến Thành và Huỳnh Nhật Long (lớp 7B, Trường THCS Nguyễn Thị Định) tử vong, 11 học sinh may mắn sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong ngày tiễn Thành và Long “về đất”, nhóm học sinh này đều có mặt đầy đủ để thắp nén hương cầu nguyện cho linh hồn hai bạn siêu thoát. Một học sinh trong nhóm thổ lộ: “Em sẽ không bao giờ quên được cái ngày định mệnh ấy. Trong lúc đùa nghịch, một cơn sóng lớn ập đến kéo cả 13 đứa ra xa và nhấn chìm. Nhưng chỉ có tụi em may mắn được lực lượng cứu hộ cứu kịp thời, còn Thành và Long đã ra đi mãi mãi. Sự mất mát này quá lớn. Nó sẽ còn ám ảnh em cả đời”.
Trước đó, một vụ đuối nước thương tâm cũng đã xảy ra tại xã An Thạch (Tuy An). Cao Đặng Thiên (học sinh lớp 11A3, Trường THPT Trần Phú, Tuy An) cùng nhóm bạn rủ nhau đến đập Ông Tấn để tắm. Do mưa lớn, nước dồn dập từ thượng nguồn đổ về, đã nhấn chìm và cuốn Thiên theo dòng nước. Tuy được nhóm bạn kịp thời hô hoán người dân ứng cứu, nhưng do nước sông đục, chảy xiết nên mọi nỗ lực cứu vớt Thiên không thành. Gia đình Thiên đưa em về An Xuân an táng trong nỗi đau mất con tột cùng. Và mới đây, tại huyện Tây Hòa, trong khi tắm sông, em Nguyễn Văn Tuấn, học sinh lớp 11, Trường THPT Phạm Văn Đồng, đã bị đuối sức và ngạt nước, dẫn đến tử vong. Như vậy, chỉ trong tháng 5, trong tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước, làm 4 học sinh chết đuối. Theo bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, mùa hè là khoảng thời gian cao điểm xảy ra các vụ đuối nước. Vì thời tiết nắng nóng, học sinh vừa xong 9 tháng học tập căng thẳng nên thường rủ nhau đến khu vực ao hồ, sông suối, bãi biển để vui đùa và tắm mát mà không có sự quản lý của người lớn. “Riêng trong năm 2012, tại tỉnh Phú Yên có đến 53 trường hợp trẻ chết đuối. Nếu các cấp ngành, đặc biệt là phụ huynh không quản lý con em chặt chẽ, chắc chắn số nạn nhân chết đuối trong mỗi dịp hè sẽ còn gia tăng”, bà Lai bộc bạch.
CẦN CHUNG TAY PHÒNG ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ
Để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em, từ năm 2010 đến nay, các sở, ngành tại Phú Yên như: Sở LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên… đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao vai trò trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể, các bậc cha mẹ và cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống đuối nước, trong đó có việc mở các lớp dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ là giải pháp tốt nhưng khó thực hiện trên diện rộng và không thể làm một sớm một chiều. Phó bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền, cho biết, sau hơn một năm triển khai thí điểm, đề án “Tăng cường công tác truyền thông, phòng - chống đuối nước và hướng dẫn kỹ năng bơi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” đã phải tạm dừng vì không có vốn. Ngoài ra, mặc dù chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã đi quá nửa chặng đường, nhưng đến nay, tại các tỉnh thành trong cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng, số trường tổ chức dạy bơi cho học sinh không nhiều. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá, các trường chưa thực hiện được việc phổ cập bơi lội cho học sinh vì thiếu kinh phí và cơ sở vật chất. Toàn tỉnh chỉ có Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, từ năm học 2011-2012, cứ vào đầu mỗi năm học tổ chức dạy bơi cho học sinh. Ông Tá cho biết: “Mới đây, Bộ GD-ĐT có công văn hỏa tốc gửi các Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp yêu cầu tăng cường công tác phòng tránh tai nạn chết đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Hy vọng rằng, hè là dịp để các trường hoàn tất các khâu chuẩn bị, để trong năm học tới, học sinh sẽ được phổ cập bơi lội theo chương trình của Bộ GD-ĐT nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc do sông nước. Và học sinh, thay vì đợi trang bị học bơi ở trường, nên chủ động đăng ký học bơi ở CLB TDTT Phù Đổng. Đặc biệt, trước mắt các em cần học cách nhận biết và tránh xa các nơi nguy hiểm ở ao hồ, sông, suối, biển; cần trang bị các kỹ năng ứng phó khi xảy ra nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của mình”. Còn theo bà Lai, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên mới trình đề án “Tập bơi cho trẻ em tại cộng đồng” và đang chờ tỉnh phê duyệt. Bà Lai nói: “Hè này, sở phối hợp với các ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ cũng như các em về nguy cơ đuối nước. Sở cũng phối hợp với các gia đình, đẩy mạnh xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có các hoạt động loại trừ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em trong các chum vại, giếng khơi, các hố sâu xung quanh nhà. Để không còn đau lòng vì đuối nước, cần có sự chung tay của tất cả các cấp ngành và toàn xã hội”.
KHÁNH HÀ