Chủ Nhật, 06/10/2024 17:31 CH
Xây dựng gia đình hạnh phúc - nền tảng của xã hội phồn vinh
Thứ Năm, 20/06/2013 08:30 SA

Người xưa có câu “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Điều đó cho thấy, trước hết vai trò của gia đình hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Xét trên bình diện xã hội, thì gia đình là nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Hay nói một cách đơn giản, quốc gia như một tòa nhà, gia đình chính là những viên gạch và các chất liệu gắn kết chính là mối quan hệ gia đình, xã hội.

 

gia-dinh130620.jpg

Gia đình là tế bào của xã hội. Trong ảnh: gia đình của lính đảo Trường Sa Đỗ Xuân Vĩnh (phường 9, TP Tuy Hòa) - Ảnh: H.MY

Vì vậy, để có được một quốc gia thịnh vượng và phát triển trước hết phải xây dựng từ nền tảng gia đình. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông. Tư tưởng Khổng giáo ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam hàng ngàn đời nay, do vậy quy mô, lối sống, chuẩn mực đạo đức của các thành viên trong gia đình khác so với các nước phương Tây. Và tùy theo văn hóa của mỗi quốc gia, gia đình cũng có quy mô, lối sống và các mối quan hệ khác nhau. Đối với các nước phương Tây thì mô hình gia đình hạt nhân (mỗi gia đình thường chỉ có 2 thế hệ chung sống đó là cha mẹ và con cái) chiếm đa số, còn các nước Á Đông mô hình gia đình thường là gia đình truyền thống (trong gia đình có 3-4 thế hệ cùng chung sống “tam, tứ đại đồng đường”). Hơn nữa quy mô gia đình hạt nhân cũng thường ít thành viên hơn so với gia đình truyền thống.

 

Ở Việt Nam không ít gia đình có nhiều thế hệ chung sống, ngoài khía cạnh tích cực như giữ được sự kính trọng của con cháu đối với ông bà, còn phát sinh rất nhiều phiền phức do “xung đột” giữa các thế hệ. Ấy là việc ông bà phàn nàn cháu của mình “thế này thế nọ”, ngược lại các cháu lại nói có ông bà trong nhà thì các cháu như bị “cầm tù”; còn bố mẹ bị kẹt giữa hai làn đạn “bênh con thì mất lòng bố mẹ, bênh bố mẹ thì bị con cái “hờn dỗi”… Từ đó cuộc sống của các thành viên trong gia đình theo kiểu gò ép gắng gượng, không thoải mái nên chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc không cao.

 

Cho nên, để có được một gia đình hạnh phúc cần giải quyết tốt các mối quan hệ sau đây: quan hệ giữa vợ và chồng; bố mẹ và con cái; ông bà và các cháu; gia đình với xóm giềng; gia đình với cộng đồng và cuối cùng là gia đình và xã hội.

 

Mối quan hệ vợ chồng phải dựa trên tình yêu và sự cảm thông chia sẻ, tương trợ nhau trong công việc xã hội cũng như trong gia đình, không nên có quan niệm “đàn ông là cái nhà, đàn bà là cái bếp”. Vợ chồng có hạnh phúc sẽ cùng nhau nuôi dưỡng con cái tốt hơn, con cái sẽ có được tấm gương về sự thủy chung của bố mẹ, từ đó giúp cho trẻ hình thành và phát triển nhân cách tốt, lớn lên con cái sẽ trở thành những người tốt. Hơn nữa vợ chồng đoàn kết sẽ cùng nhau vượt qua các khó khăn có thể gặp phải trong cuộc sống “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

 

Quan hệ ông bà và các cháu, đây là mối quan hệ thường có nhiều mâu thuẫn, xuất phát từ đặc điểm tâm lý lứa tuổi, sức khỏe và sở thích khác nhau của các thế hệ nên dễ có các “xung đột” kiểu “bà thích mà cháu không chiều” hay bà thích im lặng cháu lại mở nhạc rock hay bà thích cơm nhão cháu lại bảo đó là cháo... Những sự khác biệt nho nhỏ này nếu không được dàn xếp nhiều lúc lại trở thành chuyện lớn. Bố mẹ lại cho cháu không chiều bà, bà lại mắng cháu là “bất hiếu”..., làm các cháu cảm thấy khó chịu, phải khép nép, lâu dần các cháu có trạng thái tâm lý cảnh giác, không dám bộc lộ mình và sự phát triển tự nhiên của bản thân cũng bị kiềm chế ở mức độ nhất định. Vì vậy trong các gia đình có ông bà, con cháu về phía các cháu cũng nên thông cảm với ông bà của mình, tuổi già cần sự chiều chuộng và cần sự tĩnh lặng nên bản thân cũng nên điều chỉnh lối sống để không làm mất lòng ông bà và mình cũng cảm thấy thoải mái. Về phía ông bà cũng phải thông cảm với các cháu của mình, tuổi trẻ thích sự náo nhiệt, sự hồn nhiên và đặc biệt tuổi trẻ muốn khám phá xã hội, muốn tìm kiếm cái mới nên đừng quá gò ép các cháu.

 

Mối quan hệ giữa bố mẹ và con có lẽ là mối quan hệ dễ điều chỉnh hơn, bởi vì bố mẹ gần gũi con cái nhiều nhất, hiểu được con mình nhất. Tuy nhiên nếu quá chiều chuộng con mà thiếu cân nhắc có khi làm hư con khi nào không biết. Vì vậy các bậc làm cha, làm mẹ bên cạnh làm tốt chức năng của đấng sinh thành, còn phải là “những người bạn” của con.

 

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa gia đình và láng giềng cần phải dựa trên cơ sở của pháp luật, những quy định của cộng đồng và trên hết phải dựa vào tình làng nghĩa xóm, người Việt Nam ta có câu: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, tương trợ lẫn nhau, tối lửa tắt đèn có nhau...có như vậy xóm giềng hòa thuận trên dưới đồng lòng.

 

Nếu giải quyết tốt các mối quan hệ như đã nêu ở trên chắc chắn sẽ xây dựng được gia đình hạnh phúc, một xã hội với nền tảng là gia đình hạnh phúc, xã hội sẽ phồn vinh.

 

NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Thứ Tư, 19/06/2013 15:00 CH
Những tấm lòng yêu trẻ
Thứ Tư, 19/06/2013 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek