Chủ Nhật, 06/10/2024 17:36 CH
Trẻ em bị xâm hại:
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Thứ Tư, 19/06/2013 15:00 CH

Tại Phú Yên, tình trạng trẻ em bị xâm hại tuy không phổ biến nhưng vẫn là một vấn nạn khiến dư luận nhiều phen nhức nhối. Làm thế nào để trẻ không bị xâm hại, làm sao giúp trẻ vượt qua sang chấn tâm lý sau khi sự việc xảy ra, vai trò của người lớn trong những trường hợp này như thế nào?… Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

 

BÀ PHẠM THỊ TƯƠNG LAI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB-XH: Rèn kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình

 

Tuong-Lai130618.jpgThời gian qua, các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, nguyên nhân phần lớn là cha mẹ không nhận thức, không tiên lượng được nguy hiểm và tự gây mất an toàn cho con. Vì vậy, theo tôi, để bảo vệ trẻ, trước hết, phụ huynh phải thường trực suy nghĩ “muốn con an toàn thì mình phải làm gì?”. Cha mẹ phải giúp trẻ hiểu rằng cơ thể trẻ là của trẻ, các em có quyền từ chối những tiếp xúc không an toàn. Khi các em hoang mang, lo lắng và chia sẻ những điều này với người lớn, điều quan trọng là người lớn phải tin, phải quan tâm theo dõi những sự bất thường xung quanh trẻ. Nếu cha mẹ bỏ qua các dấu hiệu không an toàn, trẻ sẽ nghĩ điều trẻ nói không quan trọng, dẫn đến mất cảnh giác và dễ bị xâm hại. Thêm vào đó, người lớn còn phải tạo không gian sống an toàn cho trẻ bằng cách không để trẻ ở nhà một mình, nơi vắng vẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với sách báo, tranh ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy… Gia đình, nhà trường cần có kế hoạch giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên để trẻ nhận thức được những thay đổi trong cơ thể mình và có cách bảo vệ thích hợp. Cha mẹ cũng cần quan sát thái độ, hành động của con mình, xem có gì khác biệt để nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, cách ly trẻ với những đối tượng có thể gây nguy hiểm.

 

Ngoài ra, một điều khác cũng không kém phần quan trọng là người lớn phải dạy trẻ biết nhận ra những yếu tố nguy cơ để chủ động phòng tránh; đồng thời rèn luyện cho trẻ kỹ năng để tự bảo vệ mình. Đối với những nguyên tắc an toàn này, cha mẹ cần nhắc nhở một cách nhẹ nhàng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để con trẻ “ngấm” vào đầu và biết cách xử trí khi có vấn đề bất ổn xảy ra. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

 

BÀ NGUYỄN THỊ NHƯỢNG, GIẢNG VIÊN TÂM LÝ HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Cần quan tâm, yêu thương trẻ đúng cách để giúp các em vượt qua sang chấn tâm lý sau khi bị xâm hại

 

Ba-Nhuong130618.jpgTrẻ bị xâm hại thường bị tổn thương nặng nề về cả thể chất và tinh thần. Sau một thời gian điều trị, các em có thể vượt qua nỗi đau thể chất, nhưng những chấn thương về tinh thần có khi sẽ đeo bám suốt đời. Vì vậy, gia đình, xã hội cần có cách nhìn nhận, quan tâm đúng đắn để giúp các em vượt qua sang chấn tâm lý, hòa nhập lại với cuộc sống.

 

Thông thường, sau khi bị xâm hại, trẻ mặc cảm, sống khép mình, xa lánh mọi người, đôi khi không làm chủ được hành vi nên gây ra những hậu quả không mong muốn. Trong trường hợp này, gia đình phải gần gũi, thương yêu, chăm sóc trẻ chu đáo. Tuy nhiên, người lớn cũng đừng quan tâm quá mức làm trẻ cảm thấy bị thương hại, dẫn đến càng tự ti, mặc cảm hơn. Với mục tiêu giúp trẻ ổn định tinh thần, nhanh chóng quên đi những ký ức không tốt, gia đình nên hướng trẻ vào các hoạt động tập thể như văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí. Người thân, hàng xóm, bạn bè đừng bao giờ khơi gợi, nhắc đi nhắc lại chuyện đã qua khiến trẻ thêm đau lòng; người lớn cũng không nên la mắng, chửi bới trẻ mà chỉ nên xem đó như là một tai nạn trong cuộc sống. Một đứa trẻ bị xâm hại không có lỗi, chính kẻ gây ra hành vi này mới đáng phải xấu hổ và bị lên án. Người lớn cần giúp trẻ nhận thức rõ điều này để không phải hối hận, dằn vặt trong thời gian dài; đồng thời phải sẵn sàng làm một chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy để trẻ mạnh dạn chia sẻ những âu lo, sợ hãi, từ đó có cách an ủi, động viên kịp thời giúp trẻ nhanh chóng vượt qua tai nạn, tái hòa nhập với cuộc sống.

 

ANH TRẦN VĂN PHƯƠNG, CÔNG NHÂN XÂY DỰNG, QUÊ Ở HUYỆN QUẢNG TRẠCH (QUẢNG BÌNH): Phụ huynh đi làm xa nên phân công người đáng tin cậy để gần gũi với con

 

Ong-Phuong130618.jpgTôi là một người có con nhỏ, nhà lại ở xa khu vực đông dân cư nên khi đọc báo, nghe đài, biết được thông tin nhiều trẻ em bị xâm hại khi cha mẹ vắng nhà khiến tôi rất hoang mang. Vợ chồng tôi đều làm công nhân xây dựng, liên tục di chuyển từ công trình này qua công trình khác nên thường xuyên xa nhà. Mỗi khi gọi điện về, nghe con nói phải đi học về một mình, đường lại vắng vẻ nên chúng tôi càng lo lắng hơn. Cũng vì cuộc sống mưu sinh mà vợ chồng tôi phải xa gia đình chứ cha mẹ nào nỡ để con một mình.

 

Bỏ công việc thì không được mà để con ở nhà cũng không yên tâm, thế nên, hơn 1 năm nay, chúng tôi phân công nhau, tôi đi làm xa còn vợ tôi kiếm việc làm gần nhà để khi con cần thì luôn có người lớn bên cạnh.

 

Hiện tôi làm việc tại công trình xây dựng cầu Long Phú, xã An Cư (Tuy An), còn vợ thì làm công nhân cho một xí nghiệp may gần nhà. Thu nhập có ít hơn trước nhưng hàng ngày được thấy con an toàn, được chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho con, vợ tôi cũng yên tâm hơn. Thiết nghĩ, nếu vợ chồng quần quật kiếm tiền để lo cho gia đình, cuộc sống có khấm khá, con cái được chu cấp đầy đủ nhưng chẳng may có việc gì xấu xảy ra khiến cháu bị kẻ gian hãm hại thì người lớn có hối cũng không kịp.

 

ÔNG TRIỆU VĂN HÙNG Ở PHƯỜNG 5, TP TUY HÒA: Người lớn phải giúp trẻ định hướng suy nghĩ và hành động đúng đắn

 

Ong-Hung130618.jpgNgày nay, ti vi, sách báo, internet nói nhiều về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong đó, người gây hại đôi khi là những thanh, thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ, chưa nhận thức được hậu quả do hành động của mình gây ra; còn người bị hại lại chính là những em nhỏ có mối quan hệ thân thuộc với họ nên không có phương án phòng vệ. Để xảy ra tình trạng này, lỗi một phần ở người lớn. Hàng ngày, khi phải chứng kiến người lớn có những lời nói, hành vi thân mật quá đà với người khác giới, người trẻ ắt sẽ bị ảnh hưởng; nhất là khi các cháu đang ở tuổi dậy thì, có tâm lý muốn bắt chước những hành động của người lớn để chứng tỏ mình đã trưởng thành. Lúc này, nếu cha mẹ, người thân không quan tâm, định hướng đúng, trẻ dễ tơ tưởng rồi hành động bộc phát khi có cơ hội mà không kịp suy nghĩ đến hậu quả.

 

Thứ nữa, ngày nay, trẻ em lớn lên dễ dàng tiếp xúc với thế giới mạng. Đây là một kênh để học tập, giải trí hữu ích nhưng cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiêm nhiễm những hành vi xấu. Nếu người lớn không theo dõi, quản lý chặt chẽ những thông tin con trẻ tiếp thu hàng ngày, để những hình ảnh, thước phim “đen” dần xâm nhập vào đầu óc non nớt của trẻ thì dễ có những lời nói, hành động bắt chước y hệt. Trẻ em như một miếng bọt biển, thấm hút tất cả những gì chúng được nghe, được xem, được dạy dỗ. Nếu người lớn định hướng đúng, trẻ sẽ có suy nghĩ và hành động đúng. Nhược bằng không, hậu quả để lại sẽ khó lường.

 

LÊ HẢO (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek