Chủ Nhật, 06/10/2024 17:28 CH
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Tương Lai:
Triển khai đồng bộ nhiều hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em
Thứ Ba, 18/06/2013 17:00 CH

Bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong thời gian qua từng bước được xã hội hóa, với nhiều hoạt động trợ giúp mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này, nhiều yếu tố bất lợi đã nảy sinh, ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền trẻ em. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh việc triển khai chương trình hành động vì trẻ em, bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết:

 

Năm 2011 Phú Yên có 878.515 người, trong đó có 254.545 trẻ 16 tuổi, chiếm tỉ lệ 28,9 % dân số của tỉnh. Tỉ lệ tăng dân số của tỉnh tăng bình quân 1,7%/ năm. Tuy nhiên, dân số trong độ tuổi trẻ em những năm gần đây không tăng tương ứng mà có xu hướng giảm dần. Đây là giai đoạn có tỉ lệ tăng dân số bình quân thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Sở LĐ-TB-XH Phú Yên đã chủ động triển khai và chỉ đạo các địa phương triển khai các chương trình bảo vệ trợ giúp trẻ em, nhất là phòng ngừa tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, tình trạng trẻ em lang thang, lao động kiếm sống; đồng thời xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để giúp các em có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

 

qua-tre-em130618.jpg
Bà Phạm Thị Tương Lai Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên tặng quà cho trẻ em ở Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội - Ảnh: KIM CHI

* Bà có thể cho biết công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?

 

- Thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, các chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, trong các năm qua công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hình thức bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được triển khai đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Tỉ lệ trẻ em được hưởng chính sách trợ cấp theo Nghị định 67/2007 của Chính phủ và sửa đổi theo Nghị định 13/2010 của Chính phủ tăng từ 546 em vào năm 2005 lên 2.892 em vào năm 2010 chủ yếu tập trung vào các nhóm trẻ, gồm: trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật nặng, trẻ là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang, bên cạnh được hưởng trợ cấp theo Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ, trẻ còn có sự hỗ trợ từ dự án của cộng đồng châu Âu triển khai tại 10 xã trong tỉnh. Ngoài ra, trẻ em thuộc các nhóm đối tượng trên còn được trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau, như hỗ trợ hồi gia, trở lại trường học, tiếp cận với các dịch vụ y tế, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm… Đối với trẻ bị xâm hại tình dục thì được trợ giúp và hòa nhập cộng đồng. Việc tiếp cận dịch vụ y tế đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi cũng có nhiều chuyển biến đáng khích lệ, hầu hết trẻ dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí theo quy định. Đến năm 2010 toàn tỉnh có 81.275 trẻ được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

 

* Thực tế, trẻ em trong tỉnh vẫn còn chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đâu là nguyên nhân, thưa bà?

 

- Trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ngoài số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ, còn lại các đối tượng trẻ em khác vẫn chưa được Nhà nước bảo trợ, trong đó bức xúc nhất là trẻ bị bệnh hiểm nghèo. Đa số những trẻ bị bệnh rơi vào những gia đình nghèo hoặc cận nghèo, do đó việc chạy chữa cho các em vượt quá khả năng của gia đình.

 

Hiện toàn tỉnh còn 13.850 trẻ sống trong các hộ nghèo vùng nông thôn chưa tiếp cận đầy đủ 8 nhóm dịch vụ xã hội và phúc lợi dành cho trẻ em, đó là nghèo về dinh dưỡng, nghèo về chăm sóc sức khỏe, nghèo về nhà ở, nghèo về vui chơi giải trí… Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, trẻ em vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong khi đó, vai trò bảo vệ và chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng, trường học chưa được coi trọng; kỹ năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em của nhiều phụ huynh còn hạn chế, nên các em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng gia đình ly hôn, ly thân, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống, vi phạm luật pháp hoặc bị xâm hại. Bên cạnh đó, sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường như những ấn phẩm phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, cùng nhiều tiêu cực khác ngoài xã hội cũng đã tác động xấu đến tư tưởng, lối sống của trẻ…

 

le-1130615.jpg

Trẻ em cần được cả động đồng chung tay giúp đỡ trẻ em - Ảnh: KIM CHI

* Giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến 2020, Phú Yên triển khai những giải pháp gì để giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn?

 

- Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực, trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bạo lực, tạo cơ hội để trẻ em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng cơ hội phát triển cho mọi trẻ em - đó là mục tiêu chính của Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2015 vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 5%/tổng số trẻ em vào năm 2015; phấn đấu 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển. 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 50% huyện, thành phố, thị xã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; 90% gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em. 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh, huyện được nâng cao năng lực về quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 80% trẻ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập và các dịch vụ công cộng; 90% trẻ bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc, hằng năm giảm 10% trẻ em bị xâm hại tình dục, 100% trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo về các kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tự bảo vệ mình và các bạn khỏi bị ngược đãi, xâm hại và bóc lột, kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội ở cộng đồng. Tổ chức các hoạt động tư vấn tham vấn tại gia đình để vận động trẻ em lang thang hồi gia; trợ giúp trẻ em trở lại trường học, tiếp cận các dịch vụ y tế…; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội đoàn thể hỗ trợ gia đình trẻ em đặc biệt khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống; phối hợp với ngành Công an duy trì mô hình quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

 KIM CHI (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek