Tháng Hành động vì trẻ em năm nay (từ ngày 1-30/6) có chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”, trong đó, sân chơi lành mạnh và bổ ích cho trẻ là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích, trẻ tìm tới ao hồ, sông suối để tắm, tìm ẩn nhiều rủi ro đang khiến cho nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
Trẻ em thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu) chơi cầu trượt tại Trường tiểu học và THCS Lê Thánh Tông thuộc thôn Từ Nham - Ảnh: TRUNG HIẾU
HÈ ĐẾN ĐI CHĂN BÒ, HÁI CỦI
Trong chuyến công tác về một số buôn ở huyện Sông Hinh mới đây, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một nhóm trẻ lấm lem, nhếch nhác. "Nghỉ hè thầy cô giáo về quê, trường lớp vắng vẻ, cha mẹ bận lên rẫy nên tụi trẻ tự chơi với nhau - anh A Run Y Khuất, xã Ea Trol cho biết. Còn tại xã EaLy, lại có một nhóm trẻ em gái đang ngồi túm tụm nói chuyện. Hỏi sao các em ngồi đây, một em trả lời: "Vì không có gì để chơi. Nghỉ hè, chúng em chỉ quanh quẩn ở ngoài sân, chơi bịt mắt bắt dê, hay nhảy lò cò”. Em Lê Mô Y Lung, buôn Thung, xã Đức Bình Đông, nói: Vào mùa hè, em chỉ ở nhà phụ mẹ nấu cơm, vì cả nhà lên rẫy hết. Có lúc các bạn rủ em chơi bắn ná, bắn bi thì cũng chơi chứ ở buôn không vui bằng những nơi khác mà em vẫn thấy trong ti vi. Còn em Nay Y Phước, 12 tuổi ở buôn Lé B, xã Krông Pa (Sơn Hòa) bộc bạch: Nhà có 3 anh em, cha mẹ vất vả quanh năm, nên thời gian hè em cũng chỉ phụ giúp gia đình cắt cỏ, chăn bò. Em mong muốn được vui chơi nhưng không có điều kiện.
Anh Y Canh, cán bộ văn hóa xã hội xã Ea Trol (Sông Hinh) cho biết: Những năm trước, đến hè các em nhỏ cũng phải theo cha mẹ lên rẫy chăn bò, cắt cỏ, kiếm tiền ăn học. Còn mấy cháu ở buôn thì cứ rủ nhau đi tìm chỗ nào có nước để tắm, nhưng đâu phải chỗ nào cũng có suối, thành ra các em tắm trong rãnh nước. Bây giờ cuộc sống nơi đây đã khá hơn nhiều, chúng còn có các già làng dạy thổi kèn, thổi đàn…
THIẾU SÂN CHƠI
Mặc dù Ban Chỉ đạo hoạt động hè tỉnh đã có văn bản, kế hoạch triển khai đến ban chỉ đạo hoạt động hè các huyện, thị, thành phố tổ chức các hoạt động hè; tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, ôn tập hè cho thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, hiện nay ở các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được sân chơi cho thanh thiếu nhi ở địa phương mình. Một số nhà văn hóa, công viên tập trung tại các trung tâm huyện, xã, trong khi đó cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho thiếu nhi của địa phương. Ngoài ra, một số huyện, xã chỉ có một, hai điểm vui chơi cho trẻ, trong đó điểm vui chơi do tư nhân đầu tư còn quá ít. Em Nguyễn Minh Tâm, học lớp 7, Trường THCS Trần Hào, nhà ở thôn Thạnh Lâm, xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa) cho biết: “Hè nào cũng vậy, khi vừa kết thúc năm học, em cùng nhóm bạn tự tìm nơi vui chơi gần nhà, với các trò bắn bi, đá banh, bắt dế…, chứ xã và trường không tổ chức trò chơi cho tụi em”.
Một số địa phương đang đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, thôn theo đúng tiêu chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là điều rất tốt. Trong khi đó vẫn còn rất nhiều địa phương nhà văn hóa đang xuống cấp, chưa có sự đầu tư, thậm chí khuôn viên nhà văn hóa rất hẹp lại không có đồ chơi, sách báo nên trẻ em không đến để vui chơi. Anh Nguyễn Văn Phụng, thôn Phú Lương, xã An Phú (TP Tuy Hòa) nói: “Mang tiếng ở thành phố nhưng những đứa trẻ ở vùng này chẳng khác nào ở miền núi. Nhà văn hóa thôn Phú Lương cũng đã xây mới hồi năm ngoái rất khang trang, nhưng từ khi xây xong đến nay cũng chỉ đóng cửa im ỉm, mỗi lần có cuộc họp hay sinh hoạt thôn thì mới mở cửa. Ngoài ra, khuôn viên nhà văn hóa không có lắp đặt trò chơi, trẻ em làm sao đến đây vui chơi? Tuy biết con mình thua thiệt với những đứa trẻ khác, tôi thấy thương nhưng không còn cách nào khác”.
Trẻ em huyện Sông Hinh chơi trò “bịt mắt bắt dê” - Ảnh: KIM CHI
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Cuộc sống khó khăn, nhiều phụ huynh ở khu vực nông thôn, miền núi lo bươn chải kiếm sống nên không có thời gian quản lý con em mình. Trong khi đó, sân chơi cho trẻ lại thiếu nên nhiều trẻ em tìm cho mình một thú chơi riêng trong những tháng hè như: thả diều, đá banh, tán dép, rồi rủ nhau đi tắm mương, sông, suối… Vì thế, nhiều trẻ em chưa biết bơi dẫn đến tai nạn đuối nước rất thương tâm.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, trong năm 2012 có 53 em bị đuối nước, trong đó chiếm đa số là trẻ em ở vùng nông thôn. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, cả tỉnh có 12 em bị đuối nước rất đáng thương tâm như trường hợp cháu Đỗ Văn Lâm (SN 2006) ở khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) cùng nhóm bạn rủ nhau đến khu vực bờ kè khu phố Dân Phước, phường Xuân Thành để tắm. Trong lúc tắm, cháu Lâm không may bị sụp vào hố nước sâu dẫn đến thương vong. Trước đó, tại khu vực bãi Sau, thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu), hai em Nguyễn Văn Vân và Nguyễn Thị Linh đều sinh năm 2005 ở thôn Từ Nham cũng bị đuối nước do tắm biển.
Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội (HĐĐ) tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền cho biết: “Trong năm 2012, HĐĐ tỉnh đã xây dựng đề án, UBND tỉnh đầu tư kinh phí mua hai hồ bơi di động và tổ chức truyền thông phòng chống đuối nước, tập bơi cho thanh thiếu nhi tại 11 xã ở huyện Đồng Xuân. Qua đó, HĐĐ tỉnh cũng đã có buổi tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai cho các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai được vì nguồn kinh phí đang rất khó khăn”. Chị Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm, để tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, ôn tập hè cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè này, Ban Chỉ đạo hoạt động hè tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai xuống các huyện, thị, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch dành cho thanh thiếu nhi. Qua đó, các địa phương sử dụng hiệu quả công viên, sân trường, các cơ sở văn hóa tại địa phương, hệ thống nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi… để triển khai cho phong phú.
KIM CHI - TRUNG HIẾU