Qua 18 năm hình thành và phát triển, Hội Người cao tuổi (NCT) Phú Yên luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu gương sáng trong các hoạt động xã hội của địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam, ông Đặng Phi Khanh, Phó trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về hoạt động của hội.
Khám sức khỏe định kỳ cho NCT ở huyện Phú Hòa - Ảnh: T.THẢO
* Xin ông vui lòng khái quát quá trình hình thành và phát triển Hội NCT Phú Yên?
- Từ năm 1995 trở về trước, ở Phú Yên đã có tổ chức Hội Phụ lão được thành lập từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Ban đại diện Hội Phụ lão các cấp tỉnh, huyện, thị xã do một đồng chí trong Ủy ban thường trực Mặt trận cấp đó làm trưởng ban. Ở xã, phường, thị trấn thì có Hội Phụ lão do phó chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn làm chủ tịch hội. Các cấp Hội Phụ lão trong tỉnh dần đi vào nề nếp sinh hoạt với 43.000 hội viên tham gia.
Khi Hội NCT Việt Nam được thành lập vào ngày 10/5/1995 thì ở Phú Yên tiến hành tổ chức đại hội chuyển Hội Phụ lão thành Hội NCT. Đến tháng 5/1996, toàn bộ các cơ sở Hội Phụ lão trước đây của tỉnh đều tổ chức đại hội bầu lại Ban chấp hành Hội NCT và tất cả các xã, phường, thị trấn có Hội NCT. Từ đó, nội dung sinh hoạt của hội ngày càng đa dạng, thiết thực và linh hoạt, phù hợp với sức khỏe NCT, được đông đảo NCT đồng tình hưởng ứng, tham gia.
Việc chăm sóc, phát huy vai trò NCT được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cùng cấp quan tâm; hội khuyến khích, vận động từng gia đình chăm sóc cho ông, bà, cha mẹ, mặt khác vận động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ thọ, quỹ hội… Công tác tổ chức chúc thọ các vị cao niên được tiến hành theo từng độ tuổi và theo từng cấp. Theo đó, cấp tỉnh chúc thọ NCT từ 100 và trên 100 tuổi, cấp huyện, thị xã chúc thọ NCT đủ 90 tuổi. Còn lại cấp xã, phường, thị trấn thì tùy theo ngân sách địa phương mà tổ chức chúc thọ, có nơi từ 65 đến 85 tuổi, có nơi 70 đến 95 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức mừng thọ cho gần 1.665.780 lượt cụ với số tiền quà gần 9 tỉ đồng.
Hiện nay, nhờ có Luật NCT nên việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT ngày càng được xã hội quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
* Được biết, nhiều NCT trong tỉnh còn làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương?
- Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xóa đói giảm nghèo, phần lớn NCT của Phú Yên (trên 65%) còn tham gia lao động sản xuất, trong đó có khoảng 30% là chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Hàng nghìn trang trại, cơ sở sản xuất trong tỉnh được các cụ mạnh dạn bỏ vốn mua sắm tư liệu sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, truyền bá kinh nghiệm làm ăn cho con cháu và bà con hàng xóm. Qua nghiên cứu, học tập, áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, nhiều trang trại của các cụ thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng thích hợp điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, mùa vụ từng vùng, sản xuất kinh doanh đạt kết quả cao, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tiêu biểu như cụ Ama Xanh hơn 70 tuổi, dân tộc Ê đê, hội viên NCT xã Ea Bá (Sông Hinh), là người dân tộc thiểu số đầu tiên trong tỉnh vận động đồng bào dân tộc đắp đập, khai hoang trồng lúa nước 2 vụ; đồng thời lập trang trại trồng cà phê, sắn, bắp, chăn nuôi hàng trăm con bò, giải quyết việc cho 30 đến 50 lao động trong vùng, lợi nhuận đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/năm; cụ Nguyễn Thông, 65 tuổi, hội viên NCT xã An Phú (TP Tuy Hòa) lập trang trại nuôi bò, chăn nuôi vịt, cải tạo vườn cây ăn trái có chất lượng cao, thu lãi ròng hơn 60 triệu đồng/năm; cụ Đỗ Năm (60 tuổi, TP Tuy Hòa) là ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương và nuôi tôm hùm thu hút từ 20 đến 25 lao động, thu lãi từ 200 triệu đồng trở lên, giúp vốn không lấy lãi cho 10 hộ ngư dân nghèo từ 2 đến 3 triệu đồng/hộ…
Ngoài ra, nhiều cán bộ, hội viên NCT tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã giải quyết hàng nghìn vụ việc mâu thuẫn lớn nhỏ, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp.
Phong trào khuyến học, khuyến tài cũng được các cấp Hội NCT trong tỉnh quan tâm. Đến nay, có 112/112 xã, phường, thị trấn tổ chức Hội Khuyến học, 570 thôn, buôn, khu phố có chi hội Khuyến học, kết nạp 38.828 hội viên, trong đó phần lớn hội viên Hội NCT. Bên cạnh đó, NCT còn đẩy mạnh sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ để sống vui, sống khỏe, sống có tình nghĩa và sống có ích tại hơn 600 câu lạc bộ với nhiều loại hình ở khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
* Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, năm nay, Hội NCT tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản nào?
- Năm 2013, hội tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, đưa Luật NCT vào cuộc sống; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Hội NCT cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với NCT; tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng nông thôn mới; thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ hội viên ốm đau, hoạn nạn, các hoạt động giải trí rèn luyện sức khỏe. …
Bên cạnh đó, Hội NCT tỉnh tăng cường củng cố tổ chức xây dựng hội vững mạnh, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò NCT” gắn với tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Chúng tôi mong muốn cộng đồng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để NCT ngày càng phát huy tốt vai trò, xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)