Ngày Môi trường thế giới năm 2013 với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm" chuyển tải thông điệp quan trọng để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức cần suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn khi tiêu dùng thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trao “Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2013”. - Ảnh: VGP |
Sáng 5/6, tại TP. Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã dự Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí, mất mát tới 1,3 tỉ tấn lương thực (bằng 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu). Cũng theo FAO, trên thế giới, cứ 7 người có 1 người bị đói, đưa số người bị đói mỗi năm ước 1 tỉ người. Mỗi ngày có hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói. Lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường.
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp: nhiều khu, cụm công nghiệp vẫn xả thẳng nước thải xuống nguồn nước; hoạt động khai thác khoáng sản thiếu sự quản lý chặt chẽ, làm gia tăng các điểm nóng về môi trường; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông, khu vực nông thôn và các thành phố lớn ngày càng tăng; tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đúng quy chuẩn còn thấp; diện tích rừng tiếp tục suy giảm, đa dạng sinh học suy thoái, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao tiếp tục gia tăng…
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức về ô nhiễm môi trường lớn khi có trên 60% chất thải sinh hoạt nông thôn và 16% chất thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý; 60% trên 1 triệu m3 nước thải mỗi ngày không được xử lý và xả thẳng ra môi trường. Cùng với đó, việc đốt hàng triệu tấn rơm rạ mỗi năm thải ra môi trường lượng khí CO2 và bụi khổng lồ làm ô nhiễm không khí, gia tăng hiện tượng nhà kính mà hậu quả là nước biển dâng.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Ngày Môi trường Thế giới năm nay có ý nghĩa thực sự to lớn, biểu hiện bằng việc Liên Hợp Quốc lấy chủ đề: "Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ sản phẩm - Think. Eat. Save". Đây là chủ đề thiết thực, là thông điệp quan trọng để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức suy nghĩ và hành động khi tiêu dùng thực phẩm, nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Khẳng định lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cả nước cần phải tập trung ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường để môi trường sống của chúng ta hôm nay và của các thế hệ mai sau được lành mạnh hơn, đáng sống hơn.
Phó thủ tướng đã nêu những ví dụ điển hình giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta như mô hình chăn nuôi lợn trên đệm sinh học ở Hà Nam, Hậu Giang; công nghệ xử lý rơm rạ tại đồng ruộng thành phân bón mà không phải hun đốt... và đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi sạch, chấm dứt thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng, mỗi người và mọi người cùng chung tay hành động với ý thức cao nhất để bảo vệ môi trường.
Ghi nhận việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch triển khai cuộc vận động “Mỗi học sinh lớp 12 ra trường trồng ít nhất 1 cây xanh” là việc làm có ý nghĩa, Phó thủ tướng nói: “Nếu mỗi học sinh lớp 12 trước khi tốt nghiệp trồng 1 cây lấy gỗ hoặc 1 cây chắn cát ven biển như biểu tượng cho sự trưởng thành của các em thì mỗi năm, nước ta sẽ có thêm khoảng 1 triệu cây xanh”.
Theo chinhphu.vn