Năm 1972, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 là Ngày Môi trường thế giới và giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm sự kiện này hằng năm. Đến nay, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút hơn 150 nước tham gia với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu thu thút sự quan tâm của toàn nhân loại. Do đó, Ngày Môi trường thế giới càng tạo được sự chú ý của toàn thế giới về tầm quan trọng của môi trường, từ đó thúc đẩy sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường của mọi quốc gia.
Với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, Ngày Môi trường thế giới năm nay kêu gọi mọi người không lãng phí lương thực, không sử dụng thực phẩm gây ô nhiễm môi trường; kêu gọi các cá nhân, tổ chức sử dụng, sản xuất và tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý để giảm tác động xấu đến môi trường.
Theo tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực, trong khi còn gần 1 tỉ người trên trái đất đang thiếu đói. Tính ra, cứ 7 người thì có 1 người bị đói. Việc lãng phí thực phẩm không chỉ là sự lãng phí về tài chính, ảnh hưởng an ninh lương thực mà còn tác động tiêu cực rất lớn tới môi trường. Sản xuất lương thực trên toàn cầu cần đến 25% diện tích đất, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp phần đến 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Ở nước ta, những nơi khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn không ít hộ nghèo, thiếu ăn lúc giáp hạt, Nhà nước phải xuất quỹ dự trữ lương thực quốc gia để cứu trợ. Nơi đó, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao vì lương thực, thực phẩm chưa đủ chất cần thiết cho trẻ.
Năm nay, Phú Yên phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới cùng với Tuần lễ Biển đảo Việt Nam (1-8/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường gắn với chung tay hành động vì biển đảo quê hương. Với sản lượng lương thực hằng năm trên 33 vạn tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, Phú Yên còn có bờ biển dài gần 200km, vùng biển rộng 34.000km2 với 13 hòn đảo, 4 đầm vịnh, 3 cửa sông lớn cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Tuy nhiên nguồn lợi thủy sản phong phú, quý giá đó đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức; môi trường tự nhiên một số vùng biển bị suy thoái, nhiều loài thủy sản có nguy cơ bị tuyệt chủng.
“Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” đặt ra cho chúng ta không chỉ tiết kiệm khi tiêu dùng lương thực, thực phẩm để có thể chia sẻ cho những người khó khăn mà còn lưu ý chúng ta trong khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn lợi từ biển, đảo vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong các hoạt động kinh tế, xã hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển để khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và môi trường biển; ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường và không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất; nâng cao ý thức tiết kiệm trong sản xuất cũng như tiêu dùng thực phẩm; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra môi trường tại các cơ sở sản xuất, kịp thời xử lý các trường hợp xâm hại môi trường.
NGUYÊN TRƯỜNG