Hiện nay, không ít phụ nữ đang làm những công việc cực nhọc trong ngành xây dựng, từ sàng cát, trộn hồ đến cắt sắt, chuyển bê - tông... Vì mưu sinh, nhiều chị em đã chấp nhận những việc tưởng như chỉ dành cho cánh “sức dài vai rộng”.
Các nữ phụ hồ đang làm việc tại một công trình xây dựng trên đường Hùng Vương - Ảnh: N.HÂN
CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC
Tại một công trình xây dựng trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa), dưới cái nắng rát mặt, một phụ nữ mải miết đánh cát trộn hồ. Trộn xong, một phụ nữ khác thoăn thoắt chuyển từng xô hồ nặng bằng ròng rọc cho các thợ xây đang tô trát trên giàn giáo cao. Dừng tay kéo khẩu trang ra tiếp chuyện, khuôn mặt chị Lê Thị Gái, quê ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa) đỏ ửng và dầm dề mồ hôi. Chị cho biết: “Nhiều lúc không đủ thợ, trộn xong, tôi phải chạy tới chạy lui xách hồ đến lệch cả vai để kịp cho mấy ảnh làm”. Rồi chị quệt mồ hôi, cười: “Nghề này, nếu có sức khỏe và chịu khó dang nắng dầm mưa thì cũng sống được, em à!”. Bước ra từ vữa bụi mờ mịt, chị Nguyễn Thị Hợp kín mít trong bộ đồ lao động đã cũ, chỉ hở hai con mắt và thoăn thoắt từ việc xúc cát, trộn hồ, cắt sắt... Khi được hỏi về nguyên cớ đến với công việc đầy vất vả này, chị chỉ cười: “Có gì đâu, vì miếng cơm manh áo thôi. Với lại, nghề nó “bén” nên cũng chẳng biết thế nào”.
Lâu nay, sau khi xong vụ mùa, nhiều phụ nữ ở nông thôn rủ nhau theo chân các thợ xây dựng lên phố, xin làm phụ hồ tại các công trình để có thêm thu nhập. Khi hết nông nhàn, các chị lại trở về với ruộng vườn, con bò, con heo. Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ chọn nghề phụ hồ để kiếm sống lâu dài. Chị Đỗ Thị Hạnh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) tâm sự: “Tôi đi phụ hồ đã hơn 7 năm nay. Dù biết là rất cực nhưng mình nghèo nếu cứ ở nhà trông vào mấy sào ruộng thì chỉ đủ ăn, lấy gì lo cho các con ăn học?”. Chị Hạnh cho biết, hiện nay, mỗi ngày quần quật gần 9 tiếng đồng hồ, các chị được trả công từ 90.000 đến 110.000 đồng/người, thấp hơn phụ hồ nam từ 5.000 đến 10.000 đồng, được chủ bao ăn nhẹ hai bữa giữa buổi, còn trưa thì phải tự túc. Từ tờ mờ sáng, họ dậy lo cơm nước cho cả nhà, sau đó dỡ theo gô cơm để ăn trưa. Bữa trưa của các chị thường chỉ có cơm, ít cá kho mặn, không canh cũng không rau. Ai nấy tranh thủ ăn rồi tìm chỗ mát đặt lưng nghỉ ngơi một chút để đầu giờ chiều lại tiếp tục công việc…
HIỂM NGUY RÌNH RẬP
Chị Cao Thị Yến ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) đang phụ hồ tại một công trình trên đường Nguyễn Huệ (phường 5, TP Tuy Hòa), tâm sự: Không những rửa gạch, trộn hồ, cắt sắt, khiêng gạch, cột kẽm…, tụi tôi phải làm thêm bao nhiêu việc không tên. Nghề này cực, thường xuyên hít bụi xi-măng và hầu như ai cũng mắc bệnh đau lưng. Rồi những sự cố như vấp phải sắt thép, gạch rớt trúng người gây chảy máu, sưng đầu… là bình thường. Nhiều người mới vào nghề, do chưa quen nên mấy ngày đầu, da bàn tay sưng phồng, ứa máu nhìn tội lắm!”. Xòe đôi bàn tay chai sạn, nham nhở những vết nứt vàng bủng vì thường xuyên tiếp xúc với xi-măng, chị Phan Thu Thảo ở xã Bình Ngọc, tiếp lời: “Phụ hồ tại các nhà ở thường chỉ trong vài tháng là xong, còn các công trình lớn có khi xây hơn hai năm vẫn chưa kết thúc. Tụi tôi “ớn” nhất là tai nạn bất ngờ xảy ra. Nhiều khi leo lên cao, gió thổi muốn bay, nhìn xuống thì chóng mặt, nhưng để có tiền nuôi con thì phải chấp nhận thôi”.
Trên thực tế, hầu hết các công trường xây dựng đều có sự góp mặt của giới nữ. Tuy công việc của mỗi người có khác nhau, nhưng lại đòi hỏi yêu cầu khá cao và không ai dám bảo đó là những công việc... phụ. Hiểm nguy, tai nạn luôn rình rập nhưng ngoài cách tự bỏ tiền túi ra để bồi dưỡng, tự lo thuốc men khi ốm đau, bị thương tật, các nữ phụ hồ không hề được hưởng một sự hỗ trợ nào từ phía người sử dụng lao động. Ngay cả dụng cụ bảo hộ lao động cũng không được trang bị chứ đừng nói gì đến những việc xa vời như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động. Mối lo về an toàn, sức khỏe đã làm nặng lòng các nữ phụ hồ trên bước đường mưu sinh cực nhọc. Nắng gió và nhọc nhằn trên các công trình xây dựng đã làm khuôn mặt sạm nắng của họ trông già hơn tuổi rất nhiều nhưng các chị vẫn không than phiền. Bởi đơn giản vì họ không có sự lựa chọn nào khác, và trên cả, đó là khát khao lao động một cách chân chính đã thôi thúc họ vượt lên tất cả...
KHÁNH VY