Thứ Năm, 10/10/2024 03:25 SA
Để giảm nghèo bền vững
Thứ Sáu, 26/04/2013 10:01 SA

Theo hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo toàn quốc mới đây, các chính sách giảm nghèo ngày càng được hoàn thiện, mang tính hệ thống để hỗ trợ có hiệu quả hơn đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

 

lam-muoi130426.jpg

Chính sách tín dụng ưu đãi giúp người dân ở TX Sông Cầu phát triển nghề muối, thoát nghèo - Ảnh: K.CHI

NHIỀU MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO MỚI

 

Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Thời gian qua, Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội như chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn, các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Theo thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, các chương trình và chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình và chính sách giảm nghèo. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo toàn quốc, nhiều địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bến Tre được biểu dương vì đã có những cách làm tốt, có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: mô hình quân dân y kết hợp trong chăm sóc sức khỏe người dân, mô hình kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo…

 

Tại Phú Yên, trong năm 2012, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng 1.717 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 40.457 hộ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện nghèo tại các vùng khó khăn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững như chăn nuôi bò, trồng mía, cao su… Nhờ đó mà số hộ thoát nghèo trong năm đạt 6.585 hộ. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

 

CHO “CẦN CÂU HAY CON CÁ”?

 

Tuy nhiên, trước thực trạng ỷ lại của không ít hộ nghèo bởi các chính sách xóa nghèo hiện nay “cho không” quá nhiều, tại hội nghị, đại biểu tỉnh An Giang đề nghị “Cần tính toán lại vấn đề cần câu, con cá” và chỉ nên giúp hộ nghèo bằng cách dạy nghề, bởi việc làm chính là yếu tố xóa nghèo bền vững”. Lai Châu - địa phương đứng thứ hai toàn quốc về tỉ lệ hộ nghèo - cũng đề xuất “cần giảm dần mức “cho không” về đời sống và tăng chính sách hỗ trợ về sản xuất để tránh sự ỷ lại”. Đại diện UBND tỉnh Lào Cai nói thẳng về tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” thì tính bền vững xóa nghèo chưa cao; chưa xóa bỏ được tập quán canh tác lạc hậu; tư duy tự cấp tự túc”. Đại diện các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng cũng cho rằng, một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tâm lý ỷ lại. Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo quốc gia nhắc lại một thực tế được kiểm chứng ở những huyện nghèo, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa rằng: “Câu cả năm không ra con cá”. Ban chỉ đạo cũng từng đề nghị giảm những chính sách “cho không”, tăng cường cho vay. Nhưng điều này cần lộ trình thích đáng, bởi người nghèo vẫn “cần con cá song song với cần câu”, nhất là những khu vực bão lũ, nơi đồng bào nghèo nước không có uống, còn phải ăn cả mì sống. Cả nước hiện còn 512.000 hộ nghèo cần hỗ trợ nhà. Bộ Xây dựng có văn bản trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ xây nhà cho người nghèo từ 7 triệu đồng lên 10 triệu đồng;12 triệu đồng đối với những hộ thuộc vùng khó khăn; 14 triệu đồng đối với vùng đặc biệt khó khăn. Số tiền cho vay từ 8 triệu đồng cũng sẽ tăng lên 15 triệu đồng.

 

GIẢI PHÁP ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

 

Thời gian qua, còn có quá nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau đối với công tác giảm nghèo, dẫn đến manh mún, dàn trải nguồn lực, chồng chéo, trùng lắp, hiệu quả chưa cao.

 

Theo đại diện các tỉnh, chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên tổ chức truyền thông về giảm nghèo để tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo; phát hiện, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 

Riêng Phú Yên, theo kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2013, để giảm được từ 2-2,5% tỉ lệ hộ nghèo, tỉnh sẽ tập trung xây dựng lồng ghép các chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với 15 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Cùng với đó, tỉnh triển khai việc hỗ trợ xóa nhà tạm, tín dụng hộ nghèo, y tế, giáo dục, tiền điện, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững...

 

HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek