Nhận được email của Meave Kennedy, người bạn Úc đã từng đến Tuy Hòa vào những năm 2009 và 2011 để làm tình nguyện, bảo rằng sẽ trở lại Tuy Hòa để đón tết cổ truyền, tôi hân hoan vội trả lời email lại bạn chỉ để xác nhận điều đó có thật không. Meave nói nhớ Tuy Hòa và không khí tết ở Việt Nam lắm!
Các tình nguyện viên nước ngoài vui tết tại TP Tuy Hòa cùng với tác giả - Ảnh: H.ĐÔNG
Đến Tuy Hòa vào dịp tết năm Nhâm Thìn 2012, Meave còn lưu lại những ấn tượng khó phai của một cái tết thắm đượm tình thân. Như một người bản địa, Meave cũng hào hứng đón chờ năm mới và hòa mình vào không khí tết sôi động, nghĩa tình, đầy gắn kết với mọi người và vẫn luôn khắc ghi những tình cảm yêu mến, những nét văn hóa đẹp qua đời sống tâm linh của những người còn sống dành cho những người đã khuất. Cô ấy còn nhắc nhở tôi chờ cô qua để cùng tôi đi tảo mộ ông bà và ba tôi như tết năm trước. Meave nói, những phong tục truyền thống về lễ nghi cúng kính trước năm mới và vào những ngày đầu năm là những điều rất mới lạ với cô ấy, nhưng rất đáng trân trọng để tìm hiểu về một phong tục đẹp như thế.
Cũng đến từ châu Đại Dương xa xôi, Micheal Schnoor, 45 tuổi đang làm việc tình nguyện giảng dạy tiếng Anh tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thì tết Việt thật sự là một ấn tượng khó phai cho bất cứ người nước ngoài nào có dịp đón tết cổ truyền Việt dù chỉ một lần. Đón cái tết đầu tiên tại Tuy Hòa vào năm 2005 với một vài người bạn là người địa phương ở đây, Micheal cảm nhận một nền văn hóa Việt thu nhỏ trong đời sống tinh thần phong phú của người dân Tuy Hòa. Khi được hỏi điều gì làm Micheal ấn tượng nhất trong cái tết Việt đầu tiên ở nơi đây, không chút đắn đo để đưa ra câu trả lời đó là đêm thơ Nguyên tiêu trên Tháp Nhạn. Micheal còn nhớ Tháp Nhạn khi ấy lung linh ánh đèn và nên thơ không thể tả với không khí se lạnh đón chào dòng người lũ lượt đến tham dự một hoạt động văn hóa đặc sắc. Anh ấy cũng hòa mình vào mọi người, cũng chăm chú lắng nghe những bài thơ được ngâm vang với chất giọng mượt mà và truyền cảm dù anh chẳng thể hiểu nổi nội dung của những bài thơ ấy là gì. Mắt anh sáng lên khi tôi bảo Hội thơ Nguyên tiêu tổ chức hàng năm và có thêm một vài hoạt động đi cùng vì thế đêm thơ sẽ thú vị hơn lần trước anh ấy tham dự.
Đã từng có một bài viết được đăng trên Báo Phú Yên: “Yêu Tuy Hòa, chúng tôi sẽ về” sau khi đón tết Việt tại Tuy Hòa vào năm 2012. Trong bài báo, Philip Prendergast, một tình nguyện viên đến từ New Zealand bày tỏ những tình cảm và sự yêu mến một tập quán cổ truyền đẹp trong tết Việt mà anh chưa bao giờ biết trước đó. Có một chi tiết mà Philip quên không đưa vào bài viết của mình mà sau này vẫn thấy tiếc để chưa nói hết những cảm nhận đầy đủ về tết Việt, đó là sự phóng khoáng của người Việt trong việc tiếp đón khách đến nhà vào những ngày đầu năm. Dù làm nghề gì và cuộc sống thường ngày có vất vả như thế nào thì khi chào đón khách, ở nơi họ vẫn luôn là những nụ cười tươi vui nhất, những lời chúc tốt đẹp nhất dành tặng nhau. Hơn nữa, họ sẵn sàng dành đãi khách những món ngon nhất mà họ có được trong những ngày tết, ép khách ăn càng nhiều họ càng vui và uống chúc mừng họ càng nhiều họ càng cảm thấy mình mới thật lòng!
Tết Việt luôn ở trong lòng người Việt vì chúng ta là người Việt Nam nhưng tết Việt vẫn luôn ở trong lòng những người bạn phương xa một cách trân trọng khi đã đến Việt Nam vào đúng dịp tết. Một trong rất nhiều yếu tố để lại những tình cảm yêu mến về một Việt Nam tươi đẹp và hiếu khách đó chính là nét văn hóa đặc sắc trong tết cổ truyền của người Việt.
HẠNH NGUYÊN