Krông Pa nằm ở phía tây huyện Sơn Hòa, giáp với tỉnh Gia Lai là xã đặc biệt khó khăn; năm 2011, còn đến 57,2% hộ nghèo. Đây là con số khá cao so với mức bình quân chung của huyện. Vì vậy công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng ủy, UBND xã Krông Pa đặc biệt quan tâm tìm cách giải quyết.
Một góc xã Krông Pa - Ảnh: H.LINH
Xã Krông Pa có 7 thôn, buôn thì có 6 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, toàn xã có 421 hộ nghèo với 2.041 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 57,2%; riêng buôn Khăm có số hộ nghèo nhiều nhất với 102 hộ.
Để giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo của xã, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã Krông Pa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập. Do phần lớn hộ nghèo thiếu vốn sản xuất nên xã chú trọng tìm nguồn vốn của các dự án, chính sách ưu đãi cho bà con tiếp cận. Từ năm 2011 đến nay, thông qua chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo được ủy thác qua các hội đoàn thể: nông dân, phụ nữ, thanh niên, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa đã cho 200 hộ nghèo trong xã vay 2,3 tỉ đồng, riêng Hội Phụ nữ đã triển khai thực hiện cho 100 hộ với hơn 1,7 tỉ đồng. Bà Kpa H’det, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Krông Pa, cho hay: Để phát huy nguồn vốn, các hội đoàn thể đã phối hợp cùng với cán bộ phụ trách địa bàn phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên đến tận thôn, buôn kiểm tra, đối chiếu. Vì vậy, vốn vay sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng mang lại hiệu quả trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, nhờ vốn đầu tư của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, niên vụ 2011-2012, nông dân xã Krông Pa mở rộng diện tích trồng mía lên 278ha mía. Ngoài ra, dự án khuyến nông của Phòng NN-PTNT huyện còn hỗ trợ cho bà con trồng 4.000 cây keo lai để dần thay thế cho những mảnh đất hoang hóa, đồi trọc.
Trong quá trình triển khai chương trình giảm nghèo, xã đã lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho thôn, buôn có tỉ lệ hộ nghèo cao. Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Hòa mở lớp dạy nghề cho 30 học viên người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cũng được xã triển khai rộng khắp; toàn xã có 562 hồ sơ hỗ trợ chi phí học tập ở các cấp học từ mầm non đến đại học. Bên cạnh đó, chính sách trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo cũng được xã quan tâm thực hiện… Từ nguồn vốn các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ, trong năm qua toàn xã Krông Pa đã huy động 980 triệu đồng xóa được 24 nhà tạm, trong đó vốn nhân dân đối ứng là 360 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn dưới 50%.
Ông Ma Béc, dân tộc Ê Đê ở buôn Thu, chia sẻ: “Tôi đã vay vốn từ ngân hàng đầu tư trồng mía, sắn và nhận chăn nuôi giống bò lai được hỗ trợ từ chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, những năm gần đây thu nhập của gia đình tôi khá hơn, đã làm được nhà, mua xe máy. Nhiều bà con trong buôn cũng làm theo, đời sống của họ cũng đã dần cải thiện”. Còn ông Phạm Văn Ninh ở buôn Thu, nhờ cần cù lao động và sử dụng hiệu quả vốn vay, nay đã có hơn 20ha sắn, mía, cây ăn quả; gà vịt đầy vườn. Nhờ phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả, con cái ông Ninh được học hành chu đáo.
Ông La Chí Tùng, Phó chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo xã Krông Pa cho biết, UBND xã luôn đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Số diện tích sắn, mía được trồng niên vụ này, hy vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Như vậy, số hộ nghèo sẽ giảm trong thời gian đến. Còn ông Lương Văn Lách, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa phân tích: “Hiện nay, ở các xã đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng còn thiếu thốn, kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi của phần lớn người dân còn thấp, nguồn lao động tuy dồi dào nhưng phần lớn chưa được đào tạo đang là những trở ngại cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Vì vậy, trong thời gian đến huyện sẽ ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế; đồng thời bên cạnh tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn, sẽ tăng cường công tác khuyến nông, trình diễn nhiều mô hình hay để bà con học tập và làm theo, phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả hơn nữa”.
HỒNG LINH