Hòa cùng hàng triệu con tim hướng về biển đảo, nhóm thầy trò Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã tiến hành công trình nghiên cứu, đưa vào ứng dụng trồng rau xanh vào mùa mưa cho các chiến sĩ đảo Trường Sa. Trong hành trình ý nghĩa đó, có sinh viên Lê Viết Hoa, người con của đất Phú.
Lê Viết Hoa (phải) chuyển giao công nghệ trồng rau cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: CTV
DUYÊN NỢ VỚI TRƯỜNG SA
Ông Phạm Tấn Trường, giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trở về đất liền từ hành trình “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo” đã kể cho các sinh viên về những khó khăn trên đảo, trong đó có một điều làm ông trăn trở là bữa cơm của lính thiếu rau xanh vào mùa mưa, Trường Sa trở thành “quần đảo bão tố”. Cây phải mạnh mới trụ vững được, còn những loại cây yếu như rau cải không chịu nổi sức quật của gió và muối biển. Mùa này, những người lính đảo phải sử dụng các loại rau sấy khô được gửi từ đất liền ra.
Lê Viết Hoa ở thôn 2 (xã Hòa Vinh, Đông Hòa), sinh viên ngành Sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên nói: “Trường Sa trong tôi rất thiêng liêng. Được đến Trường Sa, được làm điều gì đó cho Trường Sa là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi”. |
Nghe thầy kể chuyện, trong lòng Lê Viết Hoa dâng lên một tình cảm đặc biệt với Trường Sa. Thế là, thầy và trò quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu công trình trồng rau sạch. Loại rau không cần đất và có khả năng chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt trên đảo.
Tâm thế sẵn sàng, nhưng nhóm thực hiện vẫn không lường trước được những khó khăn. Khó khăn đầu tiên là mặt bằng để thử nghiệm, thứ hai là kinh phí, rồi đến kỹ thuật. Sau một thời gian vận động, nhóm được Trường đại học Khoa học tự nhiên cho mượn một khoảnh đất trong khuôn viên của nhà trường; Đoàn trường Đại học Quốc gia hỗ trợ kinh phí và cho mượn văn phòng Đoàn làm vườn ươm; Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Thị Bạch Mai, giảng viên nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí và tư vấn về chuyên môn; còn lại các thành viên trong nhóm phải bỏ tiền túi. Có được những điều kiện ban đầu, tháng 10/2011, cả nhóm bắt tay vào nghiên cứu. Trải qua gần một năm nghiên cứu, cả nhóm phải vượt qua không ít khó khăn, khi thì thiếu kinh phí, khi vướng vào những sự cố kỹ thuật như thiết kế hệ thống trồng chưa phù hợp, thiếu không gian bố trí thí nghiệm, nấm bệnh… và đến giữa năm 2012, công trình cơ bản thành công.
Tháng 6/2012, đại diện cho nhóm nghiên cứu, Lê Viết Hoa ra đảo ứng dụng việc trồng rau xanh. Đêm trước lên đường, có một Trường Sa thao thức trong anh.
Tàu HQ 996 xuất phát từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), đưa đoàn công tác từ đất liền ra đảo. Sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, tàu dừng lại ở đảo Đá Lát. Và từ đây, tàu tiếp tục đến các đảo còn lại trên quần đảo Trường Sa. Lê Viết Hoa bộc bạch: “Không thể kể hết niềm vui của đoàn cũng như chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Chuyến tàu mang hơi thở và những câu chuyện từ đất liền được quân dân trên các đảo trông đợi và đón nhận nhiệt tình. Trước mắt chúng tôi, Trường Sa là những dải cát trắng tinh, sạch sẽ; những hàng bàng vuông xanh mướt. Sau phút gặp gỡ xúc động, cả đoàn được bố trí chỗ nghỉ ngơi để các thành viên chuẩn bị bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Rau xanh 6 ngày tuổi được Lê Viết Hoa trồng trên đảo - Ảnh: C.T.V
ƯƠM MẦM XANH TRÊN ĐẢO
Từ đất liền Lê Viết Hoa mang ra đảo hạt giống, hệ thống đèn chiếu sáng và các khay làm giá đỡ cho việc trồng rau. Trong chuyến đi này, anh tiến hành kiểm tra thời tiết trên đảo, thử nghiệm mô hình trồng rau mùa mưa, sau đó chuyển giao công nghệ cho các chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Anh bắt đầu công việc của mình trên đảo Trường Sa Lớn. Với sự giúp đỡ của cán bộ và chiến sĩ, các giá đỡ nhanh chóng được dựng lên, hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt, hạt giống được xử lý và đưa vào gieo trồng.
Hạt mầm được gieo 6 ngày thì những cây rau thành hình. “Thật bất ngờ với những kết quả chúng tôi thu được. Chỉ trong thời gian ngắn, rau muống và cải trắng đã có thể cho thu hoạch, nhanh hơn so với dự đoán ban đầu. Khí hậu ở Trường Sa trong lành, rau sinh trưởng tốt và không bị nấm bệnh”, anh Hoa chia sẻ. Sau khi thử nghiệm thành công, anh chuyển giao công nghệ trồng rau cho các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn và tiếp tục cuộc hành trình triển khai mô hình trồng rau đến đảo Tốc Tan và đảo Đá Đông; sau đó đi tìm hiểu khí hậu ở các đảo Côlin, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết. Anh Hoa cho biết: “Thời sinh viên, tôi đã được đi rất nhiều nơi, nhưng chưa có nơi nào để lại dấu ấn đậm nét như Trường Sa. Bạn phải đến đây, sống và làm việc cùng những người dân và chiến sĩ trên đảo mới thấy sự kiên cường bám biển của họ đến mức nào”.
Những khi mưa bão, các đảo ở Trường Sa dường như trở nên bồng bềnh trong sóng nước. Cuộc sống của chiến sĩ và người dân trên đảo khó khăn hơn gấp bội nhưng họ vẫn lạc quan dặn lòng: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” và quyết tâm giữ lấy từng tấc đất, từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Thông cảm trước những khó khăn ấy, nhóm của Lê Viết Hoa còn có dự định triển khai mô hình trồng rau xanh trên tất cả đảo chìm, đa dạng hóa loại rau để góp phần làm phong phú thêm bữa ăn của chiến sĩ, người dân trên đảo.
Ngày mai, những mầm xanh do nhóm nghiên cứu của Lê Viết Hoa để lại trên quần đảo Trường Sa sẽ tiếp tục vươn lên.
THÁI HÀ