UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đề xuất và thực hiện các chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục phổ biến, thực hiện tốt Luật Phòng, chống HIV/AIDS ở các cơ quan, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và các cơ sở y tế trong toàn tỉnh; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch ở địa phương và có biện pháp đề xuất, can thiệp phù hợp, trong đó chú trọng các dịch vụ y tế về phòng, chống HIV/AIDS ở các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Sớm xây dựng kế hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 để hướng tới mục tiêu 3 không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là truyền thông thay đổi hành vi và can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bao gồm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận với các thuốc kháng HIV (ARV) nhằm hạn chế tối đa tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉ lệ bệnh và tử vong liên quan đến HIV/AIDS...
Theo PYP