Thứ Ba, 08/10/2024 03:31 SA
Khi người lính trở về
Thứ Năm, 26/07/2012 11:00 SA

Như hàng vạn người con khác của dân tộc, họ đã hăng hái lên đường, cầm súng chiến đấu khi đất nước lâm nguy. Hết chiến tranh, những người lính ấy trở về quê nhà, đau đáu nghĩ suy làm gì để thoát nghèo, làm gì để có ích, không hổ thẹn với những đồng đội thân thiết đã ngã xuống…

 

ong-huy120726.jpg

Ông Bùi Quang Huy (TP Tuy Hòa) chăm sóc vườn cây cảnh - Ảnh: K.CHI

Ông Vũ Hoàng Long (SN 1943), ở khu phố 10 thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) tham gia cách mạng từ những năm 60. Giai đoạn 1963-1967, ông làm đội trưởng rồi làm chính trị viên F50, chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. Năm 1968, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân đánh vào TX Tuy Hòa (cũ).

 

Những năm sau giải phóng, gia đình khó khăn, vợ mất, con đau ốm liên miên, ông nghỉ việc Nhà nước, về Hòa Phong (Tây Hòa), sau đó đi kinh tế mới ở huyện Sông Hinh. Ông bộc bạch: “Là thương binh, tôi cố gắng từng bước vượt qua khó khăn, bệnh tật, quyết tâm xây dựng gia đình hạnh phúc”.

 

Từ hai bàn tay trắng, có lúc phải nhịn ăn để dành phần cho con, ông Long chăm chỉ lao động nên giờ đây cái đói cái nghèo đã rời xa gia đình ông. Ông có trang trại với thu nhập bình quân 15-20 triệu đồng/tháng. Điều hạnh phúc là những người con của ông đều tốt nghiệp đại học và cao học; một người con làm giảng viên Trường đại học Cảnh sát, một người con làm giảng viên Trường đại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh); những người con còn lại cũng là giáo viên… Tất cả đều vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Với ông Bùi Quang Huy, thương binh 31%, bệnh binh 61%, ở phường 4 (TP Tuy Hòa) cuộc sống sau chiến tranh cũng là những thử thách. Hai vợ chồng ông đều là thương binh. Trở về đời thường, hai vợ chồng chịu khó làm ăn. “Chẳng lẽ một chiến sĩ từng xông pha ở chiến trường giờ đành cam chịu cảnh sống khổ hay sao?”- ông trăn trở. Với đồng lương hưu ít ỏi, hai vợ chồng ông Huy vừa tiết kiệm vừa làm thuê, chăn nuôi, mua bán và thuê đất trồng cây cảnh. Bằng kinh nghiệm và sự mày mò học hỏi qua sách báo, người thân, ông tạo lập vườn cây cảnh với khoảng 300 chậu cây lớn nhỏ trị giá hơn 200 triệu đồng. Ngoài tiền lương và phụ cấp, hằng tháng ông thu nhập từ vườn cây cảnh khoảng 4 triệu đồng. Những năm mới về quê, hai vợ chồng thuê nhà ở tạm, nay đã có nhà khang trang. Ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học; gia đình 8 người cả dâu rể thì 7 người vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Huy thổ lộ: “Tuy cuộc sống có vất vả nhưng gia đình tôi luôn cố gắng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bản thân tôi gian nan không nản mà luôn vươn lên trong cuộc sống”. 16 năm công tác ở phường 4, ông Huy luôn được các cấp khen thưởng; gia đình ông được công nhận Gia đình văn hóa 9 năm liền.

 

Như nhiều người lính trở về, ông Nguyễn Xuân Lộc, thương binh 1/4, ở khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) luôn cố gắng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 1969-1972, ông tham gia du kích ở xã An Cư, rồi vào bộ đội, tham gia chiến đấu giữ vững vùng giải phóng rồi bị thương, điều trị tại Bệnh viện Quân y 13. Sau giải phóng, ông trở về quê với cơ thể thương tật trên 83%. Lúc ấy, ông được tổ chức phân công công tác tại địa phương, làm Phó chủ tịch UBND xã An Cư. Vì sức khỏe không đảm bảo, năm 1988, ông xin nghỉ về quê làm ruộng. Địa phương tạo điều kiện, giao cho gia đình ông 3ha đất ruộng. Bên cạnh đó, ông cùng gia đình khai hoang được 2ha đất rừng để trồng mía, bắp và các loại hoa màu. Ông cố gắng trồng trọt, sản xuất để nuôi mẹ già và bốn người con ăn học nên người.

 

Ông Nguyễn Khải ở thôn Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) cũng đối mặt với cuộc sống đời thường đầy khó khăn sau khi rời quân ngũ vào năm 1977. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương cũ do địch gây ra trong thời gian ông bị chúng bắt giam lại làm ông đau nhức. Không nhà cửa, vốn liếng, dù quanh năm làm lụng, bám vào mấy sào ruộng rồi đi biển, làm thuê…, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo. Qua nhiều năm làm ăn, trăn trở mà vẫn không cải thiện được đời sống, gia đình ông quyết định lấy nghề nuôi heo nái làm nghề chính. Năm 1993, vay 1,5 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Hội Cựu chiến binh, gia đình ông mượn thêm tiền để làm chuồng, nuôi 4 con heo nái để bán heo thịt, con giống… Đàn heo sinh sản và gia đình ông có tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, có thêm thu nhập từ lúa, bắp, đậu, mè…, ông nhận đất lâm nghiệp trồng rừng và xen canh cây đu đủ, rau các loại… Cái đói nghèo đã lùi xa vào dĩ vãng. Giờ đây, không chỉ lo công việc làm ăn, xây dựng gia đình, ông Khải còn tham gia công tác địa phương. Là chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Phú, ông cùng các thành viên khác trong BCH đưa hoạt động hội đạt nhiều kết quả rất khả quan.

 

Trở về từ cuộc chiến, những người lính ngày ấy góp phần tô đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” bằng những việc làm rất bình dị trong đời thường.

 

HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chung tay chăm sóc người có công
Thứ Năm, 26/07/2012 07:50 SA
Tự gây tai nạn, một người chết
Thứ Năm, 26/07/2012 07:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek