Trong những ngày vừa qua, cùng với cả nước, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công cách mạng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Đây là việc làm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người không tiếc máu xương hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7).
Cách đây 65 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 20/SL, quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh liệt sĩ để “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với gia đình có công cách mạng với mục tiêu để họ có mức sống bằng hoặc cao hơn cộng đồng dân cư nơi cư trú. Và cứ đến tháng 7 hàng năm, cả nước lại có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với người có công với nước và nó đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống xã hội của đất nước ta.
Qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo, Phú Yên có hơn 13.200 người con ưu tú đã ngã xuống, hơn 6.500 người phải bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường, gần 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 1.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin… Mặc dù là tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, điều kiện kinh tế – xã hội chưa phát triển như các tỉnh, thành khác nhưng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Phú Yên đã thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa các hoạt động chăm lo cuộc sống của người có công với nước qua các phong trào vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng… nên phần lớn gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng đã có cuộc sống “yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần”; nhiều huyện có 100% xã được công nhận thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa…
Tuy vây, vẫn còn nơi này, nơi khác, thương bệnh binh, những người thân của liệt sĩ còn gặp khó khăn trong cuộc sống, mức sống còn thấp so mức trung bình của người dân địa phương. Làm thế nào để các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn cộng đồng dân cư nơi cư trú là mục tiêu lớn không chỉ đặt ra với Phú Yên mà còn được Đảng, Nhà nước đang tìm biện pháp giải quyết trong phạm vi cả nước.
Ngày 27/7 là ngày kỷ niệm thiêng liêng, song đền ơn đáp nghĩa lại không chỉ thực hiện một ngày, một tháng, mà phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm. Từ thực tiễn công tác thương binh, liệt sĩ và người có công những năm qua cho thấy, nơi nào thường xuyên quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với nước, duy trì xã hội hóa hoạt động đền ơn đáp nghĩa thì nơi đó, cuộc sống của các đối tượng chính sách ngày càng nâng lên.
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn lực có hạn, nhiều vấn đề lớn cần ưu tiên giải quyết, thì việc khuyến khích cộng đồng xã hội đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa là việc làm cần thiết. Việc chăm lo cuộc sống của người có công đang gặp khó khăn không chỉ là đạo lý, là trách nhiệm mà còn bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từng cấp, ngành, địa phương cần có những hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo để huy động toàn xã hội chung sức chăm sóc gia đình liệt sĩ thương binh, người có công với nước. Đó cũng là hành động thiết thực góp phần phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
MAI ANH