Thứ Ba, 08/10/2024 03:26 SA
Những người Mẹ anh hùng
Thứ Năm, 26/07/2012 14:00 CH

Để có nền độc lập cho dân tộc, biết bao bà mẹ đã gạt nước mắt tiễn con ra tiền tuyến. Ngày đất nước thống nhất cũng là lúc các mẹ hay tin những “núm ruột” của mình vĩnh viễn không trở về...

 

me-vnah-120726.jpg

Các Mẹ Việt Nam anh hùng dò tìm tên người thân ở Đài tưởng niệm liệt sĩ Núi Nhạn - Ảnh: K.CHI

Ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ảnh nằm sâu trong khu dân cư ở thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa). Từ lúc chồng và các con hy sinh, mẹ chỉ còn lại người con trai út bị bệnh. Trong hồi ức của mẹ Nguyễn Thị Ảnh, chiến tranh là quãng thời gian vô cùng gian khổ, khốc liệt. Nó không chỉ cướp mất của mẹ tuổi thanh xuân và hạnh phúc, mà còn cướp đi người chồng và hai đứa con thân yêu.

 

Tròn hai mươi tuổi, mẹ Ảnh kết hôn. Hạnh phúc đơn sơ cứ thế trôi nhanh cùng với sự khôn lớn, trưởng thành của ba đứa con. Lúc này, tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng bởi những trận càn khốc liệt của kẻ địch. Cả nhà mẹ xung phong tham gia cách mạng. Mẹ Ảnh kể: “Mẹ có 3 người con, thế mà 2 người là liệt sĩ. Một năm sau khi chồng mẹ mất, 2 người con của mẹ cũng xin ra chiến trường, chính mẹ là người động viên các con lên đường. Rồi trong trận càn của địch tại thôn Quang Hưng, hai anh em đứa hy sinh, đứa bị thương nặng. Mẹ đau biết mấy nhưng cũng nén nỗi đau để tiếp tục nuôi quân. Đến năm 1973, một người con của mẹ tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia bị trôi sông và hy sinh sau đó. Một mình mẹ gánh 3 nỗi đau quá lớn”.

 

Trong chiến tranh, chồng con đi chiến đấu, mẹ ở nhà đào hầm, làm liên lạc, đi xuống vùng “lõm” gánh gạo nuôi quân chờ ngày toàn thắng. Mẹ cũng bao lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng rồi cũng được thả vì “tụi nó không lấy được thông tin gì”. Giờ chỉ còn một mình mẹ và người con bị bệnh. Chiến tranh đã cướp đi của mẹ những người thương yêu nhất nhưng giờ đây, cuộc sống đã bù đắp cho mẹ những ngày bình yên. Mẹ khoe với chúng tôi những tấm bằng khen, huân, huy chương kháng chiến với vẻ đầy tự hào.

 

Chúng tôi đến thăm mẹ Châu Thị Phú ở thôn Xuân Mỹ (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa). Chồng mẹ Phú là ông Võ Trọng Khánh, nguyên cán bộ An ninh Tuy Hòa 1, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ Phú năm nay 84 tuổi nhưng trông vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Khi kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc về người chồng thân yêu, những năm tháng gian khổ, ác liệt năm xưa, mẹ không sao kìm được nước mắt.

 

Toàn tỉnh Phú Yên có 925 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 7 mẹ là liệt sĩ, 858 mẹ đã từ trần, 60 mẹ còn sống. Đặc biệt, có một Mẹ Việt Nam anh hùng có 6 người con là liệt sĩ, 439 mẹ có con độc nhất là liệt sĩ, nhiều mẹ được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương cao quý.

Nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên cuộc đời mẹ Phú rất gian truân vất vả. Mới 17 tuổi, mẹ đã được các anh, các chú cán bộ dìu dắt tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ Phú tham gia công tác phụ nữ ở thôn Xuân Mỹ. Với lòng nhiệt tình, say mê lý tưởng cao đẹp, năng nổ trong công tác, năm 1947, mẹ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi xây dựng gia đình, cả hai người đều tích cực tham gia, hoạt động cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ ác liệt, ông Võ Trọng Khánh công tác tại Ban An ninh Tuy Hòa 1. Chỉ những lúc ông về gây dựng cơ sở bí mật ở thôn, hai vợ chồng mới gặp nhau. Giây phút gặp nhau thật ngắn ngủi nhưng tràn đầy tình yêu thương sâu nặng. Nắm đôi bàn tay chai sạn của bà, ông động viên: “Tôi và bà vào Đảng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Tôi đi chiến đấu không biết bao giờ mới trở lại, bà ở nhà cố gắng công tác, nuôi con”. Lời nhắn nhủ động viên của chồng như tiếp thêm cho mẹ sức mạnh để vượt qua bao gian nguy thử thách. Những năm tháng ác liệt ấy, mẹ vừa nuôi giấu cán bộ trong nhà vừa tham gia tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng, lại vừa làm nông để nuôi bốn đứa con. Để che mắt bọn địch, mẹ chèo chiếc sõng tre, bên trên ngụy trang sắn vượt sông Bánh Lái mang lương thực, thuốc men tiếp tế cho cán bộ cách mạng hoạt động trên núi.

 

Tháng 10/1970, nghe tin chồng hy sinh, lòng đau như cắt nhưng mẹ Phú vẫn gượng đứng lên, tần tảo nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành. Giờ đây, cuộc sống của mẹ Phú đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Đầu năm 2012, Bộ Công an, Công an tỉnh Phú Yên và Công an huyện Tây Hòa đã hỗ trợ 70 triệu đồng xây dựng cho mẹ Phú một ngôi nhà tình nghĩa khang trang trên nền đất cũ. Được sống trong ngôi nhà ấm áp nghĩa tình, lòng mẹ Châu Thị Phú tràn ngập niềm vui. Mẹ thổ lộ: “Cả cuộc đời, gia đình mẹ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Được chính quyền địa phương, Công an tỉnh Phú Yên và Công an huyện Tây Hòa thường xuyên về thăm, động viên cả vật chất lẫn tinh thần, đời mẹ như thế là mãn nguyện lắm rồi”.

Câu chuyện vẫn còn dang dở, dang dở như cuộc đời của chính các mẹ, dù rằng các mẹ đã được bù đắp bằng sự quan tâm chăm sóc của con cháu và xã hội. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể bù đắp được những đau thương, mất mát mà các mẹ từng nếm trải...

  

KIM CHI - KIM PHƯỢNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek