Chín bộ hài cốt chôn thành hai hàng thẳng tắp được xác định là của bộ đội chủ lực Quân khu 5 đã hy sinh tháng 9/1952. Sau gần 60 năm nằm trong lòng đất, các liệt sĩ đã được quy tập về cùng đồng đội, làm ấm lòng thân nhân của những người đã nằm xuống.
Địa điểm tìm thấy chín mộ liệt sĩ - Ảnh: H.NAM
Người biết được nơi chôn cất chín ngôi mộ liệt sĩ là ông Trương Túy (SN 1936, trú tại số nhà 202 đường Nguyễn Huệ, phường 7, TP Tuy Hòa). Ông Túy kể, hồi nhỏ ông sống với cha mẹ ở thôn Long Thăng (nay là khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Đầu tháng 9/1952 tại xóm Bàu, khu phố Long Thăng có một lớp chỉnh huấn chính trị cho bộ đội chủ lực Quân khu 5. Lớp này mượn xưởng ươm tơ tằm nhà cụ Nguyễn Minh làm nơi tổ chức. Thế nhưng, không may khu vực trú quân bị lộ, bị máy bay Pháp ném bom, bộ đội ta hy sinh khoảng 16-18 người, được người dân chôn tại sườn phía nam núi U Hòn Mưa (thị trấn La Hai) cách nơi hy sinh khoảng 700m. Trong số những người hy sinh, cha ông Túy chôn chín người. Lúc còn nhỏ, ông thường theo cha ra thắp hương chín mộ liệt sĩ này. Theo thời gian, mưa nắng đã san bằng các ngôi mộ thành đất sản xuất. Gần đây nghe tin dự án Trục giao thông phía tây Phú Yên (đoạn qua thị trấn La Hai) chuẩn bị mở tuyến đường đi qua dưới chân núi U Hòn Mưa, ông thấy mình phải có trách nhiệm về việc quy tập mộ liệt sĩ đưa về nghĩa trang cho ấm cúng.
Ông Trương Túy tâm sự: “Chín liệt sĩ được đưa về nghĩa trang bên đồng đội, được thế hệ trẻ hương khói trong dịp lễ tết là tôi mãn nguyện rồi”. Ông cho biết thêm, thời chống Pháp, gia đình ông nuôi giấu cán bộ cách mạng, nên lúc nhỏ ông với các chiến sĩ đã hy sinh thâm tình như chú cháu ruột trong nhà. Đa số các liệt sĩ quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một số ít ở miền Bắc. |
Ngày 5/1 vừa qua, ông Túy đến Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Xuân báo cáo sự việc và đến ngày 9/2 ông tiếp tục đến cung cấp thêm thông tin. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Xuân tổng hợp thêm nhiều nguồn tư liệu khác của người dân quanh vùng rồi lên kế hoạch quy tập. “Ở quê tôi lúc đó có một người dân chết trong trận ném bom này, căn cứ vào ngày giỗ của người đó cho đến ngày đưa thi hài liệt sĩ về Nghĩa trang thị trấn La Hai (ngày 8/3) tính theo âm lịch thì đúng 59 năm, 5 tháng, 5 ngày. Điều lạ lùng là khi đưa chín hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ thì ở đó đã có sẵn chín phần mộ xây để trống trước đó lâu rồi”, ông Túy kể.
Ông Đoàn Cảnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Xuân (nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Đồng Xuân) - người trực tiếp tham gia đợt quy tập liệt sĩ ngậm ngùi nói: “Khi tiến hành cất bốc, dù chín ngôi mộ đã bị san bằng, nhưng ông Túy chỉ đâu trúng đó. Lúc bốc mộ xong có làm lễ chia tay giữa chín liệt sĩ đã tìm được mộ và những liệt sĩ còn lại chưa tìm thấy, sau đó mới đưa về nghĩa trang mai táng”.
Những hiện vật được tìm thấy tại mộ các liệt sĩ - Ảnh: H.NAM
Theo sơ đồ khai quật của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Xuân thì chín ngôi mộ chôn thành hai hàng thẳng tắp (một hàng năm mộ và một hàng bốn mộ). Khi tiến hành khai quật, trong chín ngôi mộ có sáu mộ còn kỷ vật gồm: bút máy (bằng vỏ viên đạn), lược, thắt lưng, cong đeo tay… Trung úy Nguyễn Khắc Khiên, Trợ lý chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Xuân được giao bảo quản kỷ vật của các liệt sĩ, cho biết: “Trong đợt quy tập mộ lần này, mộ số 2, 3 và 6, chúng tôi phát hiện có mảnh đạn, bom dính trong hài cốt đến nay vẫn còn nguyên vẹn”. Hiện những di vật này được các bên liên quan thống nhất giữ lại tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Xuân để chờ thân nhân đến nhận.
MẠNH HOÀI NAM