Đi trên cầu Bình Thạnh nối xã Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu) và xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) nhìn xuống con sông Bình Bá, cả trăm người đang lom khom trên mặt nước. Nhìn đi nhìn lại toàn là phụ nữ. Hỏi ra mới biết họ đang cào dắt.
Người phụ nữ cào dắt nào cũng mang theo 2 cái thau (1 thau lớn và 1 thau nhỏ), 2 cái rổ (1 rổ xảo và 1 rổ nhỏ). Cái thau lớn dùi thủng một lỗ nhỏ ngay miệng vành, luồn sợi dây buộc vào lai áo hoặc thắt lưng. Người quỵ gối, người khom lưng hối hả cào cát vào rổ xảo. Lượng sức mình mà cào cát đầy hoặc lưng rổ rồi bưng lên, sàng sẩy… Cát rớt xuống nước, còn lại mấy con dắt, bắt bỏ vào rổ nhỏ đựng trong thau kéo theo sau lưng. Cái thau nổi trên mặt nước, đi đến đâu họ kéo theo đến đó. Người nào giỏi thì cào được 5kg, giá 3000 đồng/kg. Người già cả, gắng lắm cũng chỉ được 3kg là cùng.
Chân dung một người cào dắt trên sông Bình Bá - Ảnh: H.NAM
Con dắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Chúng sống ở cửa sông, dưới lớp cát mịn. Người ta mua dắt về cạy vỏ lấy thịt cho tôm hùm ăn. Cào được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, có điều công việc này khá vất vả.
Gần 100 người đang cào dắt dưới sông Bình Bá đều ở thôn Bình Thạnh (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Bác Lê Thị Nương, 66 tuổi nói rằng bác làm “nghề” cào dắt từ thời con gái đến giờ. Bây giờ bình quân một ngày, bác Nương “cào” được 3-5kg dắt, bán được 10.000-15.000 đồng. “Kệ, ít nhiều thì cũng có đồng ra đồng vô, hơn là chẳng có đồng nào”- câu nói của chị Nguyễn Thị Chút, 46 tuổi cũng là tâm sự chung của những người phụ nữ cào dắt trên đoạn sông này. Chị Lê Thị Hà, 45 tuổi, tâm sự: “Năm nào cũng vậy, hết mùa đồng là tôi ra sông cào dắt kiếm tiền”. Nhà chị Hà có 3 đứa con. Đứa lớn đi làm ở Sài Gòn, còn 3 đứa nhỏ thì đang học gần nhà. Mẹ cào dắt về, 3 đứa nhỏ tranh thủ một buổi ngồi cạy vỏ bán dắt thịt, giá 12.000 đồng/kg. Cứ 5 kg dắt vỏ cạy ra được 2kg dắt thịt. Lấy công làm lời”.
Thôn Bình Thạnh hiện có 581 hộ dân, đa số làm nông. Một năm 2 vụ lúa, hết mùa đồng trai tráng trong thôn đi tứ tảng làm ăn. Đàn ông ở nhà cắt cỏ chăn bò còn phụ nữ ra sông cào dắt. Lúa thóc, bò nghé bán đầu tư vào việc lớn, như nuôi con ăn học, mua xe cộ… Còn con dắt rẻ rề vậy mà ngày nào cũng mang lại tiền để tiêu lặt vặt trong nhà. Từ mua năm trăm bột ngọt đến năm ngàn nước mắm cũng trông vào con dắt.
MẠNH HOÀI