Cậu bé 12 tuổi đã phải làm nghề hàn gió đá nói: “Em cũng thích được chơi đùa với các bạn cùng trang lứa. nhưng không làm thì hai ông cháu sẽ cực lắm”.
TRẺ EM PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, BỊ HÀNH HẠ
Tôi thoáng bồi hồi khi bắt gặp mắt ánh hồn nhiên của cậu bé Nguyễn Ngọc Sơn ở tiệm hàn gió đá, thay bình ắc quy xe trên đường Nguyễn Trãi(phường 4, TP.Tuy Hoà). Gần hai năm qua, em học nghề và phụ giúp chủ tiệm hàn các mảnh vỡ, thay bình ắc quy xe máy. Công việc tuy đơn giản nhưng hằng ngày em phải tiếp xúc với các chất khí. “Quen rồi, em thấy không sao cả!”, em nói trong phút ngừng tay, ngước đôi mắt trong veo nhìn lên. Nhìn khuôn mặt vô tư, nhí nhảnh của em, ít ai nghĩ được rằng tuổi thơ của Sơn không êm đềm như các bạn đồng trang lứa. Bố mẹ mất sớm, 4 chị em chỉ biết dựa vào ông ngoại, cuộc sống vô cùng khó khăn. Các chị lần lượt đi xa làm ăn, chỉ còn lại mình Sơn ở cùng ông ngoại già yếu. Vì hoàn cảnh ngặt nghèo, ông ngoại đành phải cho đứa cháu mới 12 tuổi đi học nghề kiếm sống, để cả hai ông cháu có bữa cơm qua ngày. Sơn nói: Em cũng thích được vui đùa như các bạn lắm chị à. Em ước mơ, lớn lên một chút sẽ kiếm thật nhiều tiền bằng nghề này để hai ông cháu sống đỡ cơ cực hơn.
Nhiều trẻ em phải lao động sớm vì nhiều nguyên nhân - Ảnh: Ngọc Dung |
Nguyễn Thị Nga, ở thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông( huyện Phú Hoà) phải đi làm thêm cách đây hai năm để phụ cha mẹ nuôi các em nhỏ. Trước hết là đi phụ bán quán nước giải khát, rồi giúp công việc nhà cho người ta. Nào ngờ, em gặp phải ông chủ nhà nóng nảy và ưa bạo lực, hễ có việc gì không vừa ý là “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” không thương tiếc. Không chịu nổi những trận đòn roi ấy, Nga khăn gói xuống Tuy Hoà vào làm trong một lò mổ heo. Một ngày của em bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng, công việc chủ yếu là nấu nước, rửa lòng heo rồi dọn dẹp, lau chùi nhà cửa… Quần quật từ sáng đến tối, vừa chợp mắt thì đã phải dậy. Cứ như thế, em dần kiệt sức đành khăn gói về quê. Nga kể: Nhà có 5 chị em, sau em còn đến 3 đứa nhỏ nữa. Chị lớn cũng đang đi làm tại An Phú. Trải qua những trận đòn cũng như những ngày làm trong lò mổ heo em sợ lắm rồi. Tuy đã 14 tuổi nhưng Nga vẫn chưa biết đọc, biết viết!
Còn nhiều các em nhỏ ở các huyện và TP Tuy Hoà đang phải lao động sớm, lao động trong những môi trường độc hại nguy hiểm. Ông Võ Văn Binh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội( Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phú Yên) cho biết: Các em phải vào đời sớm, gia đình khó khăn về kinh tế, nhận thức còn thấp. Mặt khác, một số cơ sở sản xuất tiếp nhận lao động trẻ em vì dễ kiểm soát hơn lao động người lớn ma tiền công lại rẻ hơn nhiều.
NHỮNG GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN
Trước tình hình ngày càng có nhiều trẻ em lao động sớm, UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành đề án “Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động sớm, lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm giai đoạn 2006- 2010”. Đề án nêu ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em phải lao động sớm, giảm dần và tiến tới xoá bỏ tình trạng lao động trẻ em, đặc biệt là những trẻ em lang thang kiếm sống ngoài đường phố, trẻ em xa gia đình để kiếm sống bằng những nghề nặng nhọc, nguy hiểm, hạn chế tới mức thấp nhất trẻ em bỏ nhà đến các nơi đô thị để kiếm sống bằng cách áp dụng các biện pháp đồng bộ với sự tham gia của toàn xã hội.
Cũng theo đề án này, gia đình đóng vai trò nòng cốt để phòng ngừa, bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em lao động sớm để các em đảm bảo được sự phát triển về thể lực, trí lực và nhân cách. Từ nay đến năm 2010, tỉnh tập trung lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; thực hiện xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ về y tế, giáo dục, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn để nhằm ổn định và phát triển kinh tế xã hội ở cơ sở để giảm thiểu nguyên nhân dẫn tới lao động trẻ em.
Để phòng ngừa trẻ em lao động sớm, tỉnh cũng sẽ tăng cường giám sát tình hình học tập của trẻ em, tránh trẻ em bỏ học. Còn đối với các trẻ đang phải làm việc kiếm sống, vận động người thân, cơ sở trang bị bảo hộ lao động cho các em; bảo vệ trẻ em khỏi rủi ro tai nạn lao động, đảm bảo sức khỏe; tăng cường các lớp học không chính qui để các em tham gia vừa học, vừa làm.
Nhà nước đã có chủ trương và giải pháp cần thiết. Tuy vậy, cần có sự tham gia tích cực của các gia đình để giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động sớm.
KIM CHI