Lần này về An Thọ, xã miền núi của huyện Tuy An, chúng tôi ghi nhận được 3 câu chuyện vui trong công tác dân số, gia đình, trẻ em.
Nhờ có sự hỗ trợ về vật chất và động viên tinh thần, nhiều trẻ em có nguy cơ bỏ học ở An Thọ được tiếp tục đến trường - Ảnh: T.Thuỷ
Chuyện thứ nhất: Cậu bé Lương Ngọc Hưng (thôn Phú Mỹ) năm nào còn trong tình trạng tím toàn thân vì bệnh tim bẩm sinh. Vậy mà nay trông em khoẻ mạnh và đang học lớp 4. Bố em, ông Lương Tấn Hiện, rất xúc động trước sự ủng hộ của các nhà từ thiện giúp con mình vượt qua bệnh tật nguy hiểm. Ông khoe: “Con tôi đã khỏe mạnh sau đợt mổ tim 2 năm trước, gia đình tôi thật sung sướng. Cháu nó còn được nhận học bổng 70.000 đồng/ tháng của một tổ chức phi chính phủ ở Pháp tài trợ”.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thạch, cán bộ chuyên trách Dân số, gia đình, trẻ em, xã An Thọ, 50 em ở địa phương này được nhận học bổng thường kỳ của tổ chức phi chính phủ ở Pháp đã hai năm nay. Em nào học giỏi sẽ được tài trợ tiếp lên đến bậc đại học. Ngoài học bổng, tổ chức này còn trao phần thưởng mỗi năm gồm sách vở và đồ dùng sinh hoạt, qua đó, giúp nhiều em có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường như các em: Nguyễn Thanh Châu, Đỗ Văn Quốc (thôn Phú Cần), Nguyễn Thị Vân (thôn Phú Mỹ)... là trẻ mồ côi, bệnh tật, con em gia đình quá khó khăn.
Chuyện thứ hai: Người dân ở đây đã được hưởng lợi từ dự án tín dụng gia đình. 150 hộ gia đình tham gia dự án được sinh hoạt nhóm, được hiểu biết về những điều mà lâu nay ít quan tâm đến như: chăm sóc sức khoẻ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… Bên cạnh đó, hàng tháng, mỗi hộ đóng góp 30.000 đồng vào quỹ tương hỗ để giúp nhau lúc ngặt nghèo. Vui nhất là 34 hộ vừa được vay vốn (8-10 triệu đồng/hộ) để nuôi bò và trồng mía. Chị Trình Thị Nhị (thôn Phú Cần) bộc bạch: “Được vay tiền tôi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mía và mua thêm một bê để nuôi”. Còn chị Lương Thị Hồng Trung (Phú Mỹ) tâm sự: “Vừa được sinh hoạt để biết cách phòng chống các tai nạn thương tích cho con, vừa được tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tôi sẽ cố gắng nuôi dạy và cho con học hành đến nơi đến chốn”.
Chuyện thứ ba: Các hoạt động tại xã đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỉ lệ sinh con thứ ba. Các gia đình cán bộ đảng viên, giáo viên đều nhận thức rõ về chính sách dân số nên tự giác thực hiện các biện pháp tránh thai mà không cần đến sự vận động nào. Còn những bà mẹ trẻ ở đây có xu hướng thích sinh một con. Chị Trần Thị Thuý, 24 tuổi (thôn Phú Cần) bảo: “Như vậy sẽ có điều kiện nuôi dạy con tốt nhất. Bởi vậy, trong các đợt chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình gần đây, tỉ lệ phụ nữ An Thọ tham gia thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu. Từ đầu năm đến nay, trong số 28 trẻ được sinh ra, chỉ duy nhất 1 trường hợp là con thứ 3. Theo anh Thạch, thành công có được là nhờ cách tuyên truyền, vận động trực tiếp của các cộng tác viên tại hộ gia đình.
Chủ tịch xã An Thọ Trần Văn Quang đánh giá cao những đóng góp của công tác dân số, gia đình, trẻ em trong thời gian gần đây. Ông cho biết: Sự phấn đấu của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên Dân số – Gia đình – Trẻ em và sự giúp đỡ từ nhiều kênh đã góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc tốt sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, từ đó góp phần giảm đáng kể số hộ nghèo, tăng dần mức sống của người dân.
VŨ HOÀNG