Năm 2011 là năm đầu tiên xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) thực hiện mô hình: “Già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ” và đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Hội nghị “Già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ” - Ảnh: L.BI
Thay vì tình trạng các thai phụ sinh đẻ tại nhà, không có cán bộ y tế đỡ đẻ thì nay họ đã đến trạm y tế xã để sinh nở. Nếu trước đây tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao thì tính đến hết năm 2011, toàn xã chỉ có 3 trường hợp sinh con thứ 3, giảm 9,61% so với cùng kỳ năm 2010… Những thành tích đột phá này là nhờ vào sự thành công của mô hình “Già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ”. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia Ksor Y Diệu nói.
Cách làm của mô hình trên là UBND xã Ea Bia phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh xây dựng mô hình quản lý công tác dân số trong dòng họ của mình. Mỗi dòng họ cử ra một người có uy tín, nhiệt tình và khả năng truyền đạt tốt để làm trưởng họ.
Ông Ksor Y Diêu, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bia, cho biết: “Đối với người dân tộc thiểu số thì già làng, trưởng họ là những người có uy tín nhất đối với người dân. Những việc lớn nhỏ, xảy ra trong buôn đều đến tay già làng, trưởng họ giải quyết. Chúng tôi nhận thấy công tác DS-KHHGĐ đối với đời sống người dân tộc thiểu số xã Ea Bia có tầm quan trọng rất lớn. Hơn nữa hiện nay, trong công tác dân số thì vấn đề khó khăn cơ bản nhất của xã là nhân lực. Cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi càng gây trở ngại cho công tác vận động, tuyên truyền. Chính vì thế mà Ban DS- GĐ-TE xã Ea Bia đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã Ea Bia thực hiện mô hình “Già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ”.
Trong những hội nghị già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ thì 100% già làng, trưởng họ đều quyết tâm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ có hiệu quả. Người dân xã Ea Bia đã thay đổi nhiều trong quan điểm về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Các thai phụ đã đến trạm y tế xã để khám thai. Nhiều ông chồng đã chịu khó chở vợ đi khám phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai tạm thời. Trong chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ đợt I/2011, xã Ea Bia đã vận động được 5 chị đi đình sản (tất cả đều có chồng đưa đi), đạt tỉ lệ cao nhất trên địa bàn huyện Sông Hinh…
Để liên tiếp tạo sự thành công của mô hình: “Già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ”, năm 2012, Ban DS-GĐ-TE xã Ea Bia tiếp tục nỗ lực xây dựng xã Ea Bia là xã không có người sinh con thứ 3 trở lên và xây dựng kế hoạch thực hiện: đưa tiêu chí dân số vào việc xét thi đua cho công tác dân số cơ sở, các chi hội, thôn buôn…; chỉ đạo kiên quyết thực hiện quy ước, hương ước, đồng thời kết hợp các chương trình an sinh xã hội của xã với chương trình DS-KHHGĐ khi bình xét các lợi ích gắn liền với việc thực hiện các chương trình DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền của già làng, trưởng họ đối với các thành viên trong dòng họ mình phụ trách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách DS-KHHGĐ đến từng hộ dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con thứ 3.
Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Từ thành công ban đầu của mô hình “Già làng, trưởng họ tham gia công tác DS-KHHGĐ” xã Ea Bia, chúng tôi đã tiếp tục cho triển khai tiếp mô hình này ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) trong năm 2012. Ngoài huyện Sông Hinh, các huyện miền núi còn lại là Đồng Xuân, Sơn Hòa cũng sẽ thực hiện mô hình trên trong thời gian sớm nhất. Tôi cho đây là mô hình hay và phù hợp với công tác DS-KHHGĐ dành cho người dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên và cần nhân rộng ra các vùng miền núi khác trên cả nước”.
DIỆU ANH