Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại núi Nhạn (phường 1, TP Tuy Hòa) đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để; nhiều hộ dân vẫn phải lo lắng, chờ đợi được tái định cư.
Nhiều hộ dân tại khu vực núi Nhạn vẫn chưa được di dời - Ảnh: H.NHƯ
Quanh khu vực dưới chân núi Nhạn, lâu nay các hộ dân luôn sống trong tâm trạng lo lắng, không biết đất đá sẽ sạt lở, đổ xuống nhà bất cứ lúc nào. Trong mùa mưa năm 2010, hàng trăm hộ dân ở khu vực này đã bị đe dọa khi một khối đá lớn từ độ cao trên 30m lăn xuống, làm sập ba ngôi nhà và hư hỏng nhiều ngôi nhà khác; UBND TP Tuy Hòa đã phải khẩn cấp di dời 164 nhân khẩu đến nơi khác tạm trú. Ngay trong năm 2010, TP Tuy Hòa đã lập phương án di dời tái định cư cho 29 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và khả năng bị đổ sập do bị ảnh hưởng từ núi Nhạn; vào năm 2011, địa phương này cũng đã xây kè chống xói lở dưới chân núi ở một số đoạn.
Tuy nhiên, việc di dời lại không diễn ra đồng bộ mà được thực hiện theo kiểu “da beo” khiến tuyến đường Lê Trung Kiên trở nên nham nhở bởi những ngôi nhà đã di dời và vài ngôi nhà còn sót lại xen lẫn nhau. Hiện các hộ dân còn lại tại khu vực này vẫn đang sống trong thấp thỏm lo âu mỗi khi trời mưa gió. Chị Nguyễn Thị Thảo, đang sống tại khu vực núi Nhạn cho biết: “Khi có thông báo về phương án di dời tái định cư vào năm 2010, gia đình tôi ai cũng mừng vì nghĩ từ đây sẽ không phải sống trong cảnh lo sợ núi lở nữa. Thế nhưng khi một số gia đình bên cạnh di dời đi nơi khác, thì nhà tôi cùng với hai bên vẫn phải ở lại. Giờ ba nhà chúng tôi như một “ốc đảo”, không biết sẽ đổ sập lúc nào. Nhà bên cạnh nhà tôi còn tệ hơn, khi có mưa là có dòng suối ngầm từ trong núi chảy thẳng vào nhà bếp. Chúng tôi không biết bao giờ mới hết cảnh sống như thế này”.
Kiên nhẫn chờ đợi đang là câu nói an ủi lẫn nhau của các hộ dân sống ở khu vực này. Nhà lụp xụp, hư hỏng nhưng lại không dám sửa chữa để chuẩn bị đón tết vì không biết sẽ di dời lúc nào. Đã vậy, tại khu đất đã được giải tỏa, người dân tại tự ý họp chợ, không chỉ lộn xộn, mất trật tự mà rác, nước thải còn gây ô nhiễm cả một khu vực.
Theo bà Lưu Thị Anh, Chủ tịch UBND phường 1, khu vực núi Nhạn có 48 hộ cần được di dời, tái định cư. Địa phương cũng muốn đưa tất cả các hộ này đi một lần, thế nhưng, theo Trung tâm quỹ đất của UBND TP Tuy Hòa, hiện tại khu tái định cư của thành phố không đủ đáp ứng và không đủ kinh phí thực hiện. UBND TP Tuy Hòa đã cho phép hỗ trợ, tái định cư các hộ dân còn lại bị ảnh hưởng do sạt lở núi Nhạn thành hai giai đoạn. Vì thế, trước mắt chúng tôi chỉ cho di dời 16 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, không thể ở lại trong mùa mưa đi trong năm 2011; các hộ bị ảnh hưởng nhẹ thì sẽ chờ giải quyết vào đầu năm 2012.
NHƯ THANH