Hiện nay, hầu hết người dân ở các buôn, làng huyện Sông Hinh đã biết về các chủ trương, chính sách của Đảng, trẻ em đã có khai sinh những vụ tranh chấp nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng ít dần… Điều đó có được chính là nhờ các cán bộ tư pháp huyện đã đưa pháp luật về tận buôn làng phổ biến cho bà con…
Để bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tốt các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước là điều không dễ dàng. Lâu nay, việc phổ biến pháp luật ở vùng này chủ yếu thông qua đài truyền thanh huyện, xã. Khi có đợt tuyên truyền lớn, bà con được vận động tập trung về huyện để nghe đọc, mất thời gian nhưng không hiệu quả.
Việc công chứng trực tiếp tại phòng tư pháp đã giảm thời gian đi lại cho người dân -Ảnh: KIM CHI
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, thực hiện phương châm “nói ít làm nhiều” giúp cho dân nắm vững các kiến thức pháp luật, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Sông Hinh đã có những đổi thay trong việc đưa pháp luật đến với người dân. Ngay từ đầu năm 2006, phòng đã có kế hoạch trực tiếp về các buôn làng để tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân ở từng thôn, buôn. Chỉ trong 9 tháng qua, phòng đã phổ biến nội dung cơ bản nhiều bộ luật lớn ở 10 điểm dân cư cho hơn 1.700 lượt người dân tham gia.
Mí Thơm ở buôn Dành A (xã EaBia) nói: “Chúng tôi cứ sáng sớm là đã phải đi làm đến tận chiều tối mới về, ít có thời gian tìm hiểu pháp luật, nhiều khi không hiểu, cứ làm theo ý của buôn làng. Từ ngày có cán bộ tư pháp về tận buôn nói chuyện, bày cho dân cách áp dụng pháp luật vào cuộc sống nên bà con sống đoàn kết và ít có sai phạm hơn. Bây giờ, chúng tôi còn quan tâm nhiều đến chống tham nhũng, bảo vệ rừng, chăm sóc trẻ em đấy”. Mí Thơm cho biết, khi nghe báo cáo về Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Xử phạt hành chính... bà con thích lắm. Ông Trần Ngọc Thuân - Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, nói: Bà con ở các thôn, buôn trong xã lâu nay thường làm theo lệ làng. Một phần do trình độ và nhận thức còn thấp nên đôi khi chưa hiểu hết các vấn đề liên quan đến pháp luật. Có cán bộ về tuyên truyền như thế này giúp bà con học hỏi được nhiều điều lắm.
Theo ông Phụng, cán bộ Tư pháp huyện, một trong những khó khăn là việc làm hộ tịch cho bà con dân tộc thiểu số. Do không nắm hết những chính sách, chủ trương của Nhà nước nên họ không chịu làm. Vì thế, cán bộ phải lặn lội đi xuống từng buôn, làng để hướng dẫn cho bà con hiểu. Nhờ thế, đến nay, đã giảm mạnh tình trạng trẻ em không có giấy khai sinh hợp lệ.
Việc đưa trực tiếp các chính sách, pháp luật về buôn làng đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu những vụ việc mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Được biết, trong thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Sông Hinh sẽ tiếp tục lựa chọn các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cố gắng lồng ghép có hiệu quả với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội, phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…
KIM CHI