Những năm qua, Phú Yên cũng đã chú trọng đến việc nâng cao số hộ sử dụng nước sạch, đồng thời cải thiện vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn những bất cập về vấn đề này.
Nhiều hộ người dân tộc thiểu số rất cần nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Trong ảnh: người dân thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hình) vui mừng khi được sử dụng nước sạch - Ảnh: T.THỦY
Theo số liệu thống kê của ngành Y tế Phú Yên, tỉ lệ mắc bệnh và số lượt người đến khám chữa bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn ở Phú Yên khá cao. Trong đó, các bệnh chủ yếu mắc phải là: phụ khoa, giun sán, ngoài da, tiêu chảy... Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do người dân thiếu nước sạch và sống trong điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt.
Hiện nay tỉ lệ chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn còn thấp rất nhiều so với những vùng dân cư tập trung, điều kiện kinh tế phát triển, điều kiện cấp nước dồi dào, người dân có ý thức vệ sinh. Chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh ở TP Tuy Hòa chiếm 93,3%, trong khi những vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn như huyện Sơn Hòa chiếm 44,6%, huyện Sông Hinh chiếm 44,7%.
Việc sử dụng nước sẽ tạo ra nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước thải nông nghiệp. Những loại nước thải này đều mang các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm suy giảm môi trường vốn trong lành ở một số làng quê. Tình trạng thiếu nhà vệ sinh, chuồng trại, làng nghề không hợp vệ sinh đã làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Phần lớn các gia đình là người dân tộc thiểu số không có nhà vệ sinh, hoặc có thì cũng tạm bợ, nhếch nhác, không có hệ thống xử lý nước thải, khiến nguy cơ bệnh tật như tả, tiêu chảy cấp luôn đe dọa sức khỏe của bà con ở đây. Bên cạnh đó, gia súc chăn thả rông, chất thải chăn nuôi bừa bãi là nơi mầm bệnh tiềm ẩn chờ tấn công. Với điều kiện vệ sinh không đảm bảo như vậy - cái nghèo rồi đến cái bệnh cứ như một vòng xoay bất tận…
NGUYÊN NHẠN