Chỉ trừ những ngày mưa lũ, quanh năm những ngư dân đầm Ô Loan ((huyện Tuy An) đều có thể bơi thuyền ra đầm để vớt sứa. Họ coi vớt sứa là một nghề sinh sống và phát đạt nhờ nó.
Ở xã An Cư ven đầm từ lâu có một xóm chài nhiều nhà chuyên làm nghề vớt sứa, có tên là Xóm Sứa. Ngày bắt được nhiều sứa, cả một đoạn đường quanh Xóm Sứa rộn ràng hẳn lên.
Người ta “sơ chế” bằng cách ngâm sứa trong phèn cho “thịt sứa” săn chắc thêm, rồi xả nhiều lần trong nước cho sạch. Sau đó đem ra bán ở các chợ gần, cũng có khi chở ra Qui Nhơn, vô Nha Trang hoăc lên tận các tỉnh Tây Nguyên.
Con sứa vớt lên được xả kỹ nhiều lần cho sạch và sơ chế cho săn giòn. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Không như con sứa biển, con sứa sống trong nước xà hai (nước lợ) của đầm Ô Loan “hiền“ hơn. Nó không làm ngứa tay chân người bắt nó, trái lại, “thịt” nó lành hơn, ngon hơn. Con sứa được phân làm hai loại là sứa tai và sứa chân, đều săn giòn nhưng sứa chân ngon và được ưa chuộng hơn.
Việc chế biến món gỏi sứa khá đơn giản. Chỉ cần trụng sơ qua một lượt nước ấm, rổ sứa sẽ vơi đi một nửa, nhưng sứa sẽ giòn hơn.
Món gỏi sứa chế biến theo cách của người dân ven đầm Ô Loan. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Trộn đều các loại rau thơm, cơm dừa, đậu phọng rang, nước mắm ngon dầm ớt tỏi, vắt thêm một miếng chanh…rồi xúc với bánh tráng nướng, vị ngọt thanh của sứa sẽ đậm đà trên đầu lưỡi và cảm giác sừng sực, giòn tan theo mỗi lần nhai khiến người đã ăn sứa đầm Ô Loan một lần là nhớ mãi.
DƯƠNG THANH XUÂN