Hơn 10 năm trước, đời sống của người dân buôn Chơ (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) còn nhiều khó khăn. Gần đây, đời sống kinh tế, xã hội nơi đang từng bước ổn định, bà con trong buôn tin tưởng mai này cuộc sống sẽ khá hơn.
Bà con buôn Chơ, xã Krông Pa cấy lúa. - Ảnh: L.KHA
Người dân ở buôn Chơ đa số là người Ê Đê. Những năm trước đây, họ cặm chày chọc lỗ trỉa lúa, bắp; chăn nuôi trâu, bò thì thả rông, không mấy quan tâm về phòng chống dịch bệnh, sản xuất hoa màu quảng canh… Từ khi có chương trình định canh, định cư, bà con nơi đây đã từng bước thay đổi phương thức canh tác biết làm đất, chọn giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, đến đầu tư thâm canh… Sản xuất ngày càng hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ngày một khởi sắc hơn. Ông A Lê Nun, Trưởng buôn Chơ phấn khởi cho biết, đến giữa 9/2011 bà con trong buôn đã kết thúc vụ hè thu; xuống giống 316ha các loại cây trồng, trong đó cây sắn tăng hơn năm trước trên 40ha. Trong diện tích đất sắn bà con trồng xen dưa hấu lấy hạt “một ná bắn được hai chim” nên tăng thêm thu nhập. Năm ngoái, hộ Ma Rên, Ma Phúc, Ma Nhinh… thu lãi sắn từ 60- 80 triệu đồng.
Song song với việc sản xuất trồng trọt, bà con buôn Chơ còn chú trọng phát triển chăn nuôi bò. Thu nhập từ hoa màu, bà con trang trải sinh hoạt hàng ngày, còn lãi từ chăn nuôi bò, họ xây cất nhà cửa, mua sắm các phương tiện đắt tiền như xe máy, tủ lạnh, ti vi, máy cày, máy tuốt lúa, máy xay xát gạo… Buôn Chơ hiện nay có 112 hộ, nhưng đã có 90% hộ có nhà xây kiên cố; nhà sàn thì cây gỗ tốt; mái lợp ngói có giá trị từ 150-200 triệu đồng. Ông Ma Loát cho biết: “Đầu năm 2011, buôn Chơ có gần 1.200 con bò, hiện nay còn 585 con, số bò giảm là bà con bán để xây cất nhà, mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng gia đình. Buôn này còn có 3 máy cày, 2 máy xay xát gạo và 1 máy tuốt lúa. Những phương tiện này đã giúp họ đến gần hơn với công nghiệp hóa ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới”.
Khởi sắc của buôn Chơ hôm nay, ngoài sự tự lực, tự cường, bà con còn được sự hỗ trợ, đầu tư của các chương trình, dự án của Nhà nước. Như Chương trình 134, 135 hỗ trợ giống các loài cây trồng, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, vốn vay của các ngân hàng… Đặc biệt hơn là họ đã đi đúng hướng theo nghị quyết của Đảng các cấp về chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp với đất đai, khí hậu ở địa phương, để đem lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị hecta gieo trồng. Ông Ma Rên hiện nay sở hữu 1ha mía, 4ha sắn, đàn bò có gần 30 con. Ma Rên nói: “Khi chưa có chủ trương của xã, của huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con làm lúa rẫy lệ thuộc vào nước trời rất bấp bênh, năm nào cũng thiếu ăn, nhà cửa tạm bợ, đời sống khó khăn lắm. Tuy chưa bằng miền xuôi, nhưng cái đói ở buôn Chơ nay đã qua rồi”.
Nhân dân buôn Chơ đều có chung một niềm tin vào sự lãnh đạo đổi mới của Đảng; không tin, không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, xúi giục. Họ luôn thực hiện tốt chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như mía, sắn, dưa lấy hạt, chăn nuôi bò... Ông Sô Minh Nghĩa, Bí thư Đảng bộ xã Krông Pa, bảo: “Cuộc sống bình yên đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệc là chính quyền, ban công tác mặt trận và các đoàn thể trong các thôn, buôn đã làm tốt công tác vận động quần chúng, kịp thời nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của người dân, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của dân và tạo điều kiện thuận lợi để bà con xây dựng cuộc sống mới”.
TRẦN LÊ KHA