Đã không còn mốt chơi hồ cá hay nuôi cá phong thủy. Hiện nay, rất nhiều người thích thú và cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng khi trang trí trong nhà một hồ cá theo phong cách thủy sinh.
Anh Dương Chí Viễn bên một hồ thủy sinh - Ảnh: K.CHI
Có được một hồ thủy sinh trong nhà đang là niềm đam mê và là thú vui của nhiều người ở TP Tuy Hòa. Để sở hữu một hồ thủy sinh đúng nghĩa, nhiều người đã phải nghe tư vấn và tìm hiểu kỹ trên các phương tiện nghe, nhìn. Thú chơi này xuất phát từ Nhật Bản, rồi dần dần sang các nước trong khu vực châu Á. Vẻ đẹp mềm mại của một hồ thủy sinh với những loại cây cỏ, phong cảnh thiên nhiên, đàn cá nhỏ bơi tung tăng… đã hút hồn nhiều người, đặc biệt là giới công chức và những “đại gia”.
Không chỉ thỏa sức sáng tạo, thú chơi thủy sinh thực sự giúp cho những cư dân thành phố tìm được trạng thái cân bằng sau những áp lực công việc và cuộc sống.
BIẾN HÓA VỚI NHỮNG HỒ THỦY SINH
Anh Đại, chủ cửa hàng kinh doanh cá cảnh trên đường Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) là một trong những người đưa thú chơi thủy sinh vào TP Tuy Hòa cách đây gần 3 năm. Ngày ấy, vì kinh doanh cá cảnh, anh có cơ hội tiếp cận với thú chơi thủy sinh của những người bạn ở TP Hồ Chí Minh. “Lúc đầu, làm hồ thủy sinh cũng vất vả lắm, tôi phải đến những người đang chơi thủy sinh ở TP Hồ Chí Minh để học thêm cách tạo dáng, chất liệu để lắp ráp hồ… Sau đó, tôi giới thiệu và cũng tạo hồ cho nhiều người”, anh Đại chia sẻ.
Cách đây hai năm, người dân ở Tuy Hòa làm quen chơi thủy sinh tăng nhiều. Mỗi tháng cửa hàng anh Đại lắp ráp từ 5-10 chậu cây thủy sinh cho khách hàng. Mỗi chậu thủy sinh lớn nhỏ chênh lệch giá khoảng từ 5-10 triệu đồng. Có người làm chậu dài đến 3m với giá hơn 20 triệu đồng.
Những người đam mê thủy sinh ở TP Tuy Hòa thường hay đến cửa hàng Viễn Dương (đường Lê Thành Phương, phường 2), chuyên buôn bán và tư vấn, thiết kế hồ thủy sinh. Anh Viễn, chủ cửa hàng này cho biết, từ một hồ thủy sinh nhỏ làm tặng người yêu, anh dần dần thấy mê với loại cây thực vật sống trong nước. Sẵn có chút năng khiếu về thẩm mỹ, sáng tạo, anh bắt đầu tìm hiểu và mở cửa hàng chuyên kinh doanh về các loại hồ cá với cây thủy sinh hơn một năm nay. Anh Viễn thổ lộ: “Đây là một thú chơi đầy tính nghệ thuật. Tôi thỏa sức sáng tạo những phong cảnh, thích thú khi đưa thêm những loại gỗ lũa, những viên đá, hay khi nghĩ ra được một phong cảnh đẹp hợp với từng loại hồ”. Chính vì thế, thời gian qua, cửa hàng Viễn Dương đã thiết kế nhiều hồ thủy sinh ưng ý cho khách hàng. Khách đến cửa hàng Viễn Dương rất thích thú khi được chiêm ngưỡng những hồ thủy sinh với nhiều kiểu dáng bắt mắt, phong cách khác nhau. Không ít khách hàng đã “rinh” về nhà một hồ thủy sinh để thỏa sức ngắm nghía và thư giãn.
CÔNG PHU VỚI NGHỀ
Anh Hải ở đường Điện Biên Phủ (phường 7) đang sở hữu một hồ thủy sinh khoảng 1m, cho biết: “Trước đây tôi có hồ cá, sau đó nhờ thợ đến chuyển sang hồ thủy sinh. Lâu lâu, tôi lại có thể thay đổi kiểu dáng hồ như thêm cát để tạo thành kiểu con suối, dòng sông, rồi thay cây cỏ bằng gỗ lũa, nhìn rất lạ mắt… Anh Vinh ở đường Trần Hưng Đạo (phường 4) đang sở hữu một hồ thủy sinh “đại” với giá hơn 20 triệu đồng, do tự anh thiết kế. Anh Vinh cho biết, lúc trước anh cũng đặt thợ từ TP Hồ Chí Minh ra lắp ráp một hồ thủy sinh, chơi được một vài năm. Đến thời kỳ thay phân cho hồ, anh lại tìm tòi, tự thiết kế kiểu dáng mới. “Từ ngày chơi hồ thủy sinh, tôi thích lắm. Mỗi lần mệt mỏi, chỉ cần ngồi ngắm cá bơi; ngắm những loại thực vật đung đưa trong làn nước trong veo… là tôi thấy thích rồi”.
Không chỉ những người có điều kiện khá giả mà thú chơi hồ thủy sinh cũng đã đang được các gia đình trẻ thích thú trang trí khi về nhà mới. Vợ chồng chị Hà (phường 6) nói: “Chúng tôi về nhà mới được hai tháng. Thấy mọi người bảo theo thuật phong thủy trong nhà mới nên có nước chảy róc rách cho vui tai nên đã chọn mua một hồ thủy sinh gần 5 triệu đồng. Thú chơi này giúp tâm hồn trở nên thư thái”.
Điều quan trọng là người chơi hồ thủy sinh phải đam mê và bỏ công để chăm chút cho hồ ngày càng đẹp và tươi mới. Theo anh Đại, một hồ thủy sinh đẹp phải hội đủ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phải kể đến ánh sáng, khí CO2, nhiệt độ nước và phân nước. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cây để nuôi trong hồ thủy sinh như: dương xỉ, rêu, trân châu, cỏ đậu nành, phượng vĩ đài, đàn thảo, cỏ lá tròn, cỏ đăng tâm, rong cúc, thanh hồng điệp... Các loại cá dễ nuôi như ong tiên, tép đỏ, hồng nhung, rambo, nô tì...
Nhiều người chơi thủy sinh vất vả trong thời gian đầu vì cây cỏ trong hồ không phát triển như ý muốn, thậm chí bị lụi tàn. Theo anh Hải, các loại thực vật thủy sinh rất nhanh phát triển, nên cứ vài ngày phải cắt tỉa gọn gàng để cây đều, đẹp. Cây phát triển, mọc tua tủa sẽ phá vỡ phong cách của hồ thủy sinh.
Anh Viễn thì cho rằng: “Chơi thủy sinh quan trọng là công sức đầu tư, thực hiện những quy định nghiêm ngặt về thời gian mở đèn, lượng khí CO2 cần thiết; mỗi tuần phải thay nước một lần, đèn trong hồ phải luôn chiếu sáng, ít nhất 12 tiếng/ngày; thời tiết nắng nóng phải dùng quạt để làm mát nước, rồi 2 năm phải bỏ toàn bộ phân trong hồ… là thách thức không nhỏ cho những người chơi”.
KIM CHI