Vượt lên bệnh tật và nghèo khó, chị Lê Thị Lệ Sương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, chăm lo mái ấm gia đình hạnh phúc, mà còn giúp đỡ nhiều phụ nữ trong thôn ổn định cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động của chi hội.
Chị Sương luôn tạo điều kiện cho con trai út Hồ Sỹ Hiếu bồi dưỡng năng khiếu của mình - Ảnh: K.MY
VƯỢT KHÓ LÀM GIÀU
Đến nhà chị Sương vào chiều cuối ngày, chúng tôi được chị dẫn tham quan cơ sở nuôi heo của gia đình. Bảy heo nái và hơn 50 heo con sau khi được cho ăn no nê và tắm rửa sạch sẽ, đã “ngoan ngoãn” nằm ngủ trong các chuồng được đánh dấu theo số thứ tự. Một hầm biogas được gia đình chị xây dựng nhằm tránh ô nhiễm môi trường và làm nguồn chất đốt. Bên hiên bếp, con trai lớn của chị là Hồ Sỹ Hà, đang cắt rau môn để kịp nấu bữa tối thúc cho heo ăn. “Nuôi heo nái, lời nhiều nhưng cũng cực lắm. Có đêm, mới 2g sáng, ba heo mẹ cùng chuyển dạ một lúc, vậy là cả nhà tôi phải thức trắng đêm để đỡ. Nhưng hễ cứ nhìn mỗi lứa heo chịu ăn, lớn nhanh, tôi lại phấn khởi nuôi thêm”, chị Sương tâm sự. Ngoài heo nái nuôi để cho giống, những lứa heo đẻ ra, chị vừa bán giống, vừa nuôi thịt. Trung bình mỗi lứa heo đến khi xuất bán, gia đình chị thu lãi trên 40 triệu đồng. Tính thêm thu nhập từ việc bán thức ăn gia súc và xưởng mộc của chồng, mỗi năm gia đình chị Sương kiếm trên 200 triệu đồng.
Để có cơ ngơi vững vàng như hôm nay, gia đình chị Sương đã phải trải qua những năm tháng khó khăn và vất vả. 15 năm trước, vì nghèo khó, chị Sương và chồng phải để lại hai con nhỏ ở nhà, lặn lội vào xã An Nghiệp (huyện Tuy An) trồng mía, làm rẫy. Vụ mía đầu tiên, thu nhập bấp bênh, không đủ trả tiền công, gia đình chị lâm vào cảnh nợ nần. Hai năm sau, chị sinh thêm đứa con trai út và bị phát bệnh tim nặng. Chị Sương quệt ngang dòng nước mắt, nhớ lại: “Lúc đó, cả nhà tôi bị đẩy vào thế tận cùng vì bệnh tật và nợ nần. Nhiều lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhờ có sự động viên của hội Phụ nữ huyện và gia đình, tôi đã cố gắng vượt qua”.
Sau khi chạy vạy vay mượn 20 triệu đồng từ người thân và hàng xóm vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh, vợ chồng chị Sương về quê bắt đầu lập nghiệp lại từ hai bàn tay trắng. Vay được ít vốn, anh Hồ Thành mở tiệm mộc tại nhà, còn chị bắt tay vào nuôi heo. Sau đó, chị Sương được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phước Nhuận, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do huyện tổ chức. Có kỹ năng, chị mạnh dạn mượn tiền, đầu tư nuôi 10 con heo gây đàn. Lứa thứ hai, chị thu lời và có khoản vốn “lận lưng” hơn 50 triệu đồng. Từ đó, chị mở rộng quy mô nuôi từ 15-20 con heo và chú trọng nuôi heo nái, bán giống heo con.
GIÀU TÌNH NHÂN ÁI
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Sương còn giúp đỡ những người xung quanh bằng cách hướng dẫn lại kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn cho bà con về cách xây chuồng trại, cách phòng trừ bệnh… Hiện tại, chị Sương cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều hộ gia đình nuôi heo trong xã, theo kiểu cho các hộ nuôi heo mua thức ăn nợ và sau khi bán heo sẽ hoàn trả lại tiền. Nhờ đó, nhiều hộ trong xã nuôi được heo thịt với quy mô lớn.
Ngoài ra, chị Sương đã vận động hơn 500 phụ nữ trong thôn tham gia sinh hoạt hội, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho chị em giao lưu. Chị còn cùng chị em trong thôn thành lập tổ tiết kiệm, tạo vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mỗi lần nghe tin chị em nào bị bệnh hiểm nghèo, hoặc gia đình nào có gia cảnh khó khăn, chị Sương lại vận động người dân trong thôn chia sẻ, động viên với họ. Cơn lũ năm 2009, huyện Đồng Xuân bị thiệt hại nặng nề, gia đình chị Sương đã tình nguyện lo ăn ở cho hơn 10 chiến sĩ bộ đội để họ yên tâm giúp dân. Riêng chị Sương không quản mưa gió, một thân một mình vận chuyển hàng chục bao gạo đến các hộ dân nghèo.
Không những làm tốt các công tác của chi hội, chị Sương còn là người mẹ mẫu mực, người vợ hiền. Với các con, chị luôn là người đồng hành trên con đường ước mơ. Biết con trai út Hồ Sỹ Hiếu có năng khiếu văn nghệ và đam mê ca hát, từ năm Hiếu lên sáu tuổi, ngày nào chị cũng chở con xuống Nhà văn hóa thiếu nhi huyện Đồng Xuân để học đàn, hát. Năm Hiếu mười hai tuổi, dẫu gia đình còn khó khăn, nhưng chị vẫn dồn tiền mua cho con cây đàn organ cũ. Liên tiếp hai năm liền, chị đưa con ra Đà Nẵng để dự thi “Tiếng ca học đường” toàn quốc. Không phụ công mẹ, năm 2011, Hiếu đã đạt giải nhất đơn ca giải “Cánh diều mơ ước” do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức.
Với nghị lực vượt khó, cùng những việc làm ý nghĩa, chị Sương đã vinh dự nhận được giấy khen của huyện Đồng Xuân vì có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Dân vận khéo” năm 2008-2009 và nhiều giấy khen khác.
HÀ KIỀU MY