Những năm qua, đề án Ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống được triển khai trên địa bàn tỉnh, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuyên truyền đề án “Ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống” cho trẻ em huyện Tây Hòa - Ảnh: T.THẢO
Trẻ em lang thang được hồi gia
Chị Mang Thị Trang, thôn Da Dù (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), mẹ của năm đứa trẻ lang thang kiếm sống cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời từ dự án Ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em lang thang kiếm sống, tôi đã được vay vốn làm ăn. Chứ trước đây, vợ chồng bất hòa nên tôi bỏ đi làm ăn xa, không nuôi được các con, chúng bỏ học theo các bạn đi làm kiếm sống”. Còn em Hờ Phương, dân tộc Chăm, thôn Soi Nga cùng xã nói: “Em rất vui vì được các cô chú hỗ trợ học nghề, sau này kiếm được việc làm ổn định chứ con gái đi xin ăn nguy hiểm lắm”. Mang K’Tuột, 19 tuổi ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Được dự án hỗ trợ, giờ em đã học xong nghề sửa xe, có thể tự kiếm tiền mà không phải lang thang xin ăn như ngày trước”.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Phó Phòng LĐ-TB-XH huyện Đồng Xuân, hiện nay số trẻ em lang thang ở huyện đã được hồi gia, ổn định cuộc sống, chỉ còn vài trường hợp theo bố mẹ làm ăn xa. “Không dừng lại ở việc hỗ trợ vốn, Phòng LĐ-TB-XH còn trợ cấp dụng cụ học tập, tổ chức những buổi tập huấn cho bà con; phối hợp với các ban ngành sinh hoạt văn nghệ, tổ chức cắm trại… cho trẻ em dân tộc thiểu số, thành lập những câu lạc bộ (CLB) trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang thu hút đông đảo các em tham gia. Do đó, người dân đã ý thức hơn trong việc chăm sóc con em mình”, ông Hùng thông tin thêm.
Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cuối năm 2005 đề án này được triển khai, từ hơn 400 trẻ em lang thang giảm xuống còn 90 em vào năm 2007 đến 2010 chỉ còn 39 trẻ, phấn đấu đến cuối năm 2011, 100% trẻ em lang thang kiếm sống được hồi gia bền vững. Đồng thời, trợ giúp 106 trẻ em lang thang hồi gia tiếp tục đi học văn hóa, hỗ trợ cặp, vở cho 439 em đang đi học có nguy cơ lang thang, tổ chức học nghề tại cộng đồng và tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho 116 trẻ em lang thang hồi gia. Hiện có 30 CLB trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang được xây dựng với 1.255 em tham gia sinh hoạt, 12 CLB gia đình có lồng ghép trẻ em lang thang và nguy cơ lang thang, giải quyết cho gần 2.000 hộ gia đình có trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang được vay vốn xóa đói giảm nghèo và hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án cũng còn những bất cập. Đó là, kinh phí đầu tư còn hạn chế, tình trạng trẻ em lang thang theo mùa khó kiểm soát. Một số gia đình quá khó khăn thiếu thốn về kinh tế, không đủ khả năng đóng các khoản học phí và mua sách vở, quần áo cho con đi học nên trẻ phải đi lang thang.
Cần sự chung tay
Hàng năm, ngoài việc xây dựng các CLB trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang, tổ chức các lễ ra mắt các mô hình xã phường phù hợp với trẻ em và xây dựng mới mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, Sở LĐ-TB-XH tỉnh còn phân bổ kinh phí và hướng dẫn các huyện thường xuyên giám sát, họp giao ban định kỳ việc thực hiện đề án ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang. Kết quả cho thấy sự tác động của chương trình vận động và trợ giúp trẻ em lang thang hồi gia đạt hiệu quả, hoàn thành trước mục tiêu đề ra.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: “Để giúp đỡ và tạo điều kiện cho trẻ em đã hồi gia, được hồi gia bền vững và ổn định, các địa phương phải phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền các chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phối hợp chặt chẽ với các nơi trẻ đến để quản lý, hỗ trợ đưa trẻ em về và làm việc với các đại lý vé số về việc sử dụng, lạm dụng sức lao động trẻ em; thường xuyên tư vấn cho gia đình và bản thân trẻ em về nguy cơ tác hại của việc lang thang đường phố, sự thiệt thòi khi các em không được hưởng các quyền dành cho mình”.
Theo bà Phạm Thị Tương Lai các địa phương cũng cần trợ giúp khó khăn ban đầu và trợ giúp cho trẻ em hồi gia được tiếp tục đến trường và học nghề để ổn định cuộc sống tại địa phương. Hồ sơ trẻ em lang thang được chuyển về địa phương quản lý và theo dõi giúp đỡ. Các đơn vị chức năng cần hỗ trợ cho hộ gia đình nghèo đặc biệt là hộ có trẻ em lang thang và nguy cơ lang thang được vay vốn xóa đói giảm nghèo, được hướng dẫn, trang bị kiến thức về cách làm kinh tế để phát triển kinh tế gia đình. Để giải quyết tận gốc rễ tình trạng trẻ em lang thang, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội.
PHONG NHÃ