Là địa phương có nhiều núi và sông, nên khi xảy ra bão lụt, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt. Để chủ động phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm nay, huyện Đồng Xuân đã triển khai các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại.
Chỉ cần lũ báo động cấp II thì tại khu vực cầu Sắt, thị trấn La Hai (Đồng Xuân) đã bị ngập nước và chia cắt - Ảnh: P.NAM
Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, năm 2010 mưa bão đã làm hai người chết, hơn 427ha lúa, 377ha sắn và khoảng 1.245ha mía bị ngập úng. Nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, nhiều tuyến kênh mương thủy lợi bị bồi lấp… Từ thực trạng trên, vừa qua UBND huyện Đồng Xuân đã đánh giá lại những mặt còn tồn tại về công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), như việc chuẩn bị vật tư, dụng cụ theo phương châm bốn tại chỗ ở một số xã, thị trấn còn thiếu; việc tuần tra canh gác ở các điểm giao thông và cống ngầm bị ngập sâu trong nước không thường xuyên trong mùa mưa lũ. Công tác sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm chưa kịp thời, còn chủ quan, ỷ lại; một số bến đò ngang, chủ phương tiện chưa đảm bảo an toàn nhưng vẫn hoạt động. Một số xã chưa thực hiện nghiêm túc việc báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do lụt bão gây ra trên địa bàn xã mình…
Huyện Đồng Xuân hiện có khoảng 30 thôn, xóm, khu phố với khoảng 940 hộ dân ở chín xã, thị trấn có nguy cơ ngập lụt và có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ vét khi xảy ra lũ lụt. Trước tình hình này, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê số hộ cần di dời, khi lũ ở mức báo động cấp một (7,5m) phải chấp hành lệnh sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ mang thai trước, và khi lũ đạt đỉnh báo động cấp hai (8,5m) thì tiến hành sơ tán số người còn lại ra khỏi vùng bị ngập nước; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 cho biết: “Trên địa bàn có một số khu vực xung yếu, có thể bị ngập nước khi mưa lũ xảy ra, như xóm Soi (thôn Thạnh Đức), xóm Chợ Lùng (thôn Phước Lộc). Xã đã lên phương án di dời những hộ dân tại các khu vực này, đồng thời chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang, sự hỗ trợ từ cấp trên và huy động lực lượng tại chỗ, tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ. Ngoài ra, xã cũng đã triển khai kế hoạch chi tiết công tác huy động các lực lượng, giúp người dân chằng chống nhà cửa và khắc phục thiệt hại”.
Để chủ động, sẵn sàng đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa năm 2011, UBND huyện và Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành của huyện và chính quyền các xã, thị trấn trong huyện. Các đơn vị và địa phương tổ chức trực ban lãnh đạo 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình các tình huống xấu có thể xảy ra nhằm phòng tránh và đối phó kịp thời. Bố trí cán bộ đến các địa bàn xung yếu, chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời và có hiệu quả. Triển khai các phương án, kế hoạch PCLB-TKCN của địa phương, đơn vị mình. Tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ sập và những khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm lo đời sống của người dân tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản của người dân tại những nơi đã di dời.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân, cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã hoàn tất công tác chuẩn bị PCLB-TKCN, với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, nên chỉ cần lũ ở mức báo động cấp hai thì trung tâm huyện lỵ và nhiều khu dân cư bị chia cắt. Cầu Sông Cô trên ĐT642 từ thị trấn La Hai đến xã Xuân Sơn Bắc được đầu tư xây dựng, tuy nhiên tiến độ thi công hiện rất chậm, có thể gây ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ sắp tới. Cầu Suối Tía trên ĐT647 thường xuyên bị ách tắc trong mùa mưa, tỉnh cần đầu tư kinh phí để gia cố những vị trí bị xuống cấp để người dân hai xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 không bị chia cắt vào mùa mưa lũ.
ANH NGỌC