Thứ Tư, 27/11/2024 23:45 CH
Phú Yên triển khai khẩn trương các biện pháp phòng tránh bão số 6
Thứ Bảy, 30/09/2006 08:08 SA

Hồi 4 giờ sáng nay (30/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 450 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km / giờ), giật trên cấp 13.

 

* Bão chuyển hướng di chuyển từ Tây - Tây Bắc sang hướng Tây - Tây Nam, hôm nay ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ngoài khơi từ Hà Tĩnh đến Phú Yên

 

* UBND tỉnh mở hội nghị khẩn triển khai công tác phòng chống bão.

 

* Đến chiều qua, còn 62 tàu thuyền với 587 lao động Phú Yên đang ở ngoài biển khơi

 

* Nhân dân và các địa phương, đơn vị chủ động, sẵn sàng ứng phó với cơn bão.

 

BÃO CÓ THỂ VÀO ĐẤT LIỀN RẠNG SÁNG MAI VỚI CƯỜNG ĐỘ CỰC MẠNH

 

060930-lut-bao.jpg
Công ty phát triển nhà và công trình đô thị chạt tán cây xanh tránh bão số 6 vào ngày 29-9 - Ảnh: Ly Kha
Hồi 4 giờ sáng nay (30/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 450 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km / giờ), giật trên cấp 13.


Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng tây, sau đó lệch dần theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Từ 24 đến 48 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy, sáng nay bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Trưa nay, bão sẽ đi qua phía nam quần đảo Hoàng Sa và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Khoảng gần sáng mai (1/10), vùng tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. 

 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh trên cấp 12. Biển động dữ dội.

 

Vùng biển ngoài khơi từ Nghệ An đến Phú Yên từ rạng sáng nay, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh. Riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió xoáy mạnh trên cấp 12.

 

Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, khu vực phía nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng tố lốc.

 

Các tỉnh ven biển Trung Bộ khoảng từ ngày mai sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

 

Đây là cơn bão mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua và có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bán kính lên đến 400 – 500 km.

 

CẤP TỐC TRIỂN KHAI MỌI BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BÃO SỐ 6

 

Trưa qua, 29-9, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã ký công điện số 02 gởi hỏa tốc đến các địa phương và sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh chỉ đạo các biện pháp chủ động phòng tránh bão số 6. Và chiều 29-9, UBND tỉnh đã mở Hội nghị khẩn triển khai công tác phòng chống bão số 6.

 

060930-bao-lut.jpg

Một chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) cập bến chiều 29-9. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, toàn bộ 20 tàu đánh bắt trên biển của phường 6 đều đã về nơi trú ẩn – Ảnh: L.KHA

 

Sau khi nghe báo cáo của các ngành, địa phương về công tác chuẩn bị, Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo sát sao đối với tất cả các địa phương, ngành; tiếp tục liên hệ Cục đường bộ và Phân khu quản lý đường bộ 5 bàn các giải pháp phòng tránh trên các điểm sạt lở, sụp lún tuyến QLIA; các vùng triều cường, lũ quét dễ xảy ra nếu nhận thấy nguy hiểm phải quyết liệt di dời. Rút kinh nghiệm các năm trước, lực lượng thường trực ứng cứu phải được các cơ quan vũ trang, quân đội tổ chức sẵn sàng. Các lực lượng thông tin trên biển cùng với các đơn vị viễn thông cũng tích cực tham gia công tác thông tin, dự báo. Phải cảnh giác tối đa vì hoàn lưu bão quá lớn, vùng rìa cũng có gió mạnh đến cấp 8, cấp 9, tức bằng cơn bão lớn.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã giao những nhiệm vụ cấp bách và cụ thể cho các ngành như sau:

 

- Sở Thủy sản, Bộ đội biên phòng tổ chức quyết liệt việc liên lạc và nắm chắc số tàu thuyền còn trên biển chưa kịp vào bờ để hướng dẫn trú bão.

 

- Lượng tàu thuyền của ngư dân phường 6 và phường 4 neo đậu theo kè Bạch Đằng là không thật sự an toàn, ngành Thủy sản và địa phương vận động ngư dân đưa thuyền về trú tại cảng Vũng Rô khi bão chưa đổ bộ cũng như tạo điều kiện tại các điểm tránh khác cho ngư dân.

 

- Các điểm bị sạt lở, triều cường đã có nơi di dời thì kiên quyết đưa dân vào tránh bão. Những trường hợp không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế nhưng phải đảm bảo tài sản của dân. Đặc biệt là những điểm dân cư nguy hiểm tại các huyện Sông Cầu, Tuy An, TP Tuy Hòa.

 

- Về tuyến QLIA, UBND tỉnh đã 3 lần gửi văn bản yêu cầu có biện pháp xử lý, khắc phục đến Bộ Giao thông và Cục Đường bộ nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Tỉnh sẽ yêu cầu Phân khu quản lý đường bộ 5 có mặt tại Phú Yên để triển khai ngay những biện pháp dã chiến phòng tránh sạt lở.

 

- Công an, Quân sự và Biên phòng phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng thường trực nhằm ứng cứu khẩn cấp theo tình hình thực tế và tình hình lực lượng của mỗi đơn vị.

 

- Điện lực phải chuẩn bị lực lượng để đảm bảo ánh sáng.

 

- Tất cả các ngành, địa phương phải thực sự tổ chức trực ban và lực lượng chuẩn bị 24/24. Thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh cần liên tục kiểm tra khâu này.

 

Trong ngày 29-9, BCH PCLB&TKCN các cấp từ tỉnh đến huyện, thành phố đều đã có cuộc họp khẩn cấp triển khai 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Ngoài ra, các địa phương cũng đã sẵn sàng lực lượng chuẩn bị di dời các khu dân cư và ứng cứu kịp thời những đối tượng gặp nạn.

 

Bộ CHQS tỉnh đã khẩn cấp quán triệt việc phân công các phần việc tổ chức ứng cứu, sẵn sàng phân phối vật tư ứng cứu cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng; Bộ CH Bộ đội Biên phòng cũng đã triển khai lên các kế hoạch  lai dắt tàu thuyền, ứng cứu trên biển...

 

CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH VÀ SẴN SÀNG ỨNG CỨU

 

CÒN 62 TÀU THUYỀN VỚI 587 LAO ĐỘNG ĐANG Ở NGOÀI BIỂN KHƠI

 

Theo thông tin từ BCH PCLB&TKCN tỉnh, đến 16 giờ chiều qua (29-9), số tàu thuyền còn lại trên biển nằm trong vĩ độ sẽ bị ảnh hưởng của bão là 24 chiếc. Tuy vậy, tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, cho hay  đến đầu giờ chiều qua vẫn còn 62 phương tiện với 587 lao động đang còn ở ngoài khơi. Trong đó, có 24 phương tiện cùng 216 lao động ở ngư trường Phú Yên, 20 phương tiện cùng124 lao động ở ngư trường các tỉnh phía Nam, 5 phương tiện cùng 40 lao động ở ngư trường các tỉnh phía bắc, 7 phương tiện cùng 77 lao động ở ngư trường Khánh Hoà, 6 phương tiện cùng 30 lao động ở ngư trường Bình Thuận.

 

Trong khi đó, 30 phương tiện với trên 150 lao động ở An Ninh Tây (Tuy An) vẫn đang đánh bắt gần bờ  trên vùng biển Tuy An. Số phương tiện này có đăng ký tần số với Bộ đội biên phòng nhưng hiện không liên lạc được, có thể đã tắt máy hoặc đổi tần số khác.

Tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa), đến chiều qua, 18 trong 20 tàu thuyền ra khơi trong đợt này đã về đến bến, 2 thuyền còn lại khai thác vùng biển phía Nam cũng đã vào bờ trú bão. Anh Lê Đỗ, người ở khu phố Bạch Đằng cho  biết: Thời gian này thuyền ra khơi không nhiều và rút kinh nghiệm từ các cơn bão năm trước, ngư dân cũng đã tăng cường chủ động công tác giữ thông tin liên lạc, phòng tránh bão kịp thời. Được biết, ở khu phố này, có 75 hộ nhiều khả năng bị ảnh hưởng triều cường, nhưng UBND Phường 6 cũng đã sẵn sàng các phương án cũng như lực lượng di dời và ứng cứu khi bão đổ bộ vào đất liền.

 

Trong khi đó, tin từ Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết hiện có 38 hộ dân ở thôn 5, xã An Ninh Đông (Tuy An) hầu hết là nhà tạm ở sát mép biển thuộc vùng nguy hiểm cần phải di dời. Cán bộ chiến sĩ của đồn đã và đang tiếp tục phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở tổ chức vận động, nếu thuyết phục không thành sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế di dời để bảo vệ tính mạng, tài sản của những hộ dân này. Còn ông Lê Chí Trọng, Phó trưởng BCH PCLB&TKCN Phú Yên, cho biết: Tất cả các điểm dân cư trên đảo, ven biển có nguy cơ bị triều cường đều sẽ được huy động các lực lượng ứng cứu đưa lên vùng an toàn trước khi bão đổ bộ theo dự báo bão có ảnh hưởng mạnh tới Phú Yên.

 

Những ngày qua, Trạm Biên phòng Đà Rằng cùng Đài thông tin duyên hải Phú Yên đã túc trực 24/24 giờ kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào bờ. Tất cả các tàu thuyền trong vùng biển nếu chưa kịp vào bờ, ngoài địa chỉ liên lạc khẩn cấp là Trạm biên phòng Đà Rằng thuộc BCH Bộ đội Biên phòng Phú Yên, còn có thể liên lạc với Đài thông tin duyên hải Phú Yên theo tần số cấp cứu khẩn cấp là 7903 KHz và kênh 70 VHF; tần số trực làm việc là 7966 KHz, 7924 KHz và kênh 16 VHF. Chị Lê Thị Tuyết Dung, Phụ trách Đài thông tin duyên hải Phú Yên, cho biết: Tất cả các tàu thuyền gặp sự cố liên lạc theo các tần số trên sẽ được Đài báo lại với Trung tâm 2 – Đà Nẵng ngay lập tức để kịp thời ứng cứu.

 

LY KHA – KHƯƠNG NGUYÊN – XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek