Chiều 29-9, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp khẩn trương phòng tránh bão số 6.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã chỉ đạo cụ thể cho các địa phương và sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai khẩn trương và quyết liệt các biện pháp đối phó với bão số 6.
Chặt cành để hạn chế cây ngã đổ khi có bão
Theo đó, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp của tỉnh phải trực 24/24 để kịp thời ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra khi bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh. Sở Thủy sản, Bộ đội biên phòng tổ chức quyết liệt việc liên lạc và nắm chắc số tàu thuyền còn trên biển chưa kịp vào bờ để hướng dẫn trú bão. Các điểm bị sạt lở, triều cường đã có nơi di dời thì kiên quyết đưa dân vào tránh bão. Những trường hợp không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế nhưng phải đảm bảo tài sản của dân, đặc biệt là những điểm dân cư nguy hiểm tại các huyện Sông Cầu, Tuy An, TP Tuy Hòa. Về tuyến QLIA, UBND tỉnh đã 3 lần gửi văn bản yêu cầu có biện pháp xử lý, khắc phục đến Bộ Giao thông và Cục Đường bộ nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Tỉnh sẽ yêu cầu Phân khu quản lý đường bộ 5 có mặt tại Phú Yên để triển khai ngay những biện pháp dã chiến phòng tránh sạt lở.
Trước đó, lúc 10 giờ sáng nay, UBND tỉnh đã có công điện số 2 gởi hỏa tốc đến các địa phương và sở, ban, ngành, đoàn thể. Công điện có nội dung:
Bão số 6 đã mạnh lên một ít.
Hồi 16 giờ chiều nay, 29-9 , vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 115,0 độ kinh Đông, trên khu vực giữa Biển Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 750 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/ giờ), giật trên cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Như vậy đêm nay bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên. Trưa mai (30/9), bão sẽ đi sát phía Nam quần đảo Hoàng Sa và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh nói trên. Cơn bão này có nhiều khả năng đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm ngày 1/10.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13. Biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Nghệ An đến Phú Yên gần sáng mai, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8 giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh. Riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió xoáy mạnh cấp 12, cấp 13. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên chiều mai gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7.
Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, khu vực phía nam biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió Tây Nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng tố lốc.
Các tỉnh Trung Trung Bộ từ chiều mai sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Để phòng, chống cơn bão số 6, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1/ Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
- Cương quyết không cho tàu thuyền ra biển, kiểm tra báo cáo ngay cho UBND tỉnh danh sách số lượng tàu thuyền, số lao động trên tàu, ký hiệu tàu, vị trí và tần số liên lạc của những tàu thuyền hiện chưa vào nơi trú ẩn và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
- Di chuyển, sắp xếp các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú và các loại thủy sản khác vào nơi an toàn. Chỉ đạo ngư dân thu hoạch các loại thủy sản mà có khả năng bị ảnh hưởng hoặc đã đến kỳ thu hoạch. Không được để người tại các ao, đìa nuôi tôm, đặc biệt ở các lồng bè trên biển.
- Có kế hoạch sơ tán các hộ dân đang sinh sống tại các vị trí có khả năng bị ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở đất, đá, triều cường (chú ý các khu vực ven sông, ven suối, ven núi, ven biển, vùng trũng thấp, ven taluy đường giao thông, sườn đồi núi có tầng đất mỏng, đất, đá dễ sạt lở, khu vực hạ lưu các hồ chứa nước, nhà ở của các hộ gia đình có khả năng bị hư hỏng, nhân dân sinh sống dưới tán cây dừa cao…) đến nơi an toàn. Đồng thời gửi bản kế hoạch đó báo cáo UBND tỉnh.
- Cử người gác trực bắt buộc tại 2 đầu các tràn, ngầm, nơi qua lại có nước chảy xiết, các vị trí thường sạt lở đất, đá, vị trí xung yếu… để hướng dẫn việc đi lại cho nhân dân trong và sau bão. Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, triều cường.
- Vận động nhân dân chuẩn bị dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại, đưa trâu, bò đến nơi khô ráo. Không để trâu, bò bị ướt, rét, đặc biệt là không được để dịch lở mồm long móng tái phát.
2/ Sở Thủy sản, cử cán bộ xuống các khu tránh trú bão để hướng dẫn ngay cho ngư dân cách neo đậu, chằng buộc… tàu thuyền đánh cá tránh va đập lẫn nhau. Nhất là phối hợp với UBND thành phố Tuy Hòa hướng dẫn cho tàu thuyền của ngư dân phường 6, phường 4 tránh trú bão an toàn. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản có biện pháp phòng tránh khi bão xảy ra.
3/ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi và hướng dẫn cho các tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài biển, nhanh chóng vào nơi trú ẩn an toàn. Kiểm tra chặt chẽ các tàu thuyền ra biển đánh cá khi bão vừa mới tan, cương quyết không cho phép các tàu thuyền ra biển hoạt động mà không đảm bảo an toàn hoặc đánh cá tại các cửa sông khi nước chảy xiết.
4/ Sở Giao thông & Vận tải bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố do bão gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, nhất là tuyến đường huyết mạch. Có phương án vận chuyển kịp thời sơ tán nhân dân từ vùng xung yếu đến nơi an toàn khi bị bão uy hiếp.
5/ Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công nghiệp, Giao thông & Vận tải, Thủy sản, Thương mại & Du lịch, Xây dựng, Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Bưu điện, Điện lực Phú Yên, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh, Công ty Thủy nông Đồng Cam, UBND các huyện, thành phố kiểm tra ngay các công trình trọng điểm như: Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, hồ chứa nước, đê, đập, kè, cống, kênh mương, cầu, đường, cảng, luồng lạch, bến bãi, trường học, bệnh viện, trạm xá, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc và các thiết bị vận hành khác để có biện pháp gia cố, chằng chống kho tàng, bảo vệ, ứng cứu, xử lý và vận hành an toàn. Không tập kết hàng hóa tại các vùng trũng thấp.
6/ Sở Y tế, Hội chữ thập đỏ tỉnh chỉ đạo các Bệnh viện, Trạm xá… chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng tham gia cứu chữa kịp thời cho những người bị nạn và xử lý môi trường sau khi bão tan.
7/ Các lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng có phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cùng các địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống khẩn cấp do bão số 6 gây ra. Phối hợp với các địa phương tổ chức sơ tán nhân dân tránh trú bão và đảm bảo an ninh trật tự vùng bị thiên tai.
8/ Sở Văn hóa & Thông tin, Đài Phát thanh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Báo Phú Yên và các cơ quan truyền thông đại chúng khác có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, dành thời lượng thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
9/ Bão số 6 ảnh hưởng đến tỉnh ta vào các ngày nghỉ cuối tuần vì vậy yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải phân công Lãnh đạo trực 24/24 để theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão và sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời phải thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh những biện pháp triển khai thực hiện phòng chống trên, cũng như tình hình ảnh hưởng của bão số 6 gây ra. Cơ quan nào không thực hiện đầy đủ các biện pháp được phân công như trên mà để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì Thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
P.V