UBND tỉnh Phú Yên vừa quyết định hỗ trợ kinh phí đối với 16 gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi. Đây là một chính sách nhân đạo của tỉnh nhằm khuyến khích cộng đồng cùng tham gia nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em bất hạnh. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh chủ trương này, ông Đinh Viết Hậu, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên) cho biết:
- Hiện toàn tỉnh Phú Yên đang có nhiều gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhưng gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc trẻ. Theo quyết định mới đây của UBND tỉnh Phú Yên những đối tượng được nhận sự hỗ trợ là hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi (sau đây gọi chung là trẻ mồ côi) không còn người thân nuôi dưỡng theo qui định của pháp luật hôn nhân và gia đình, hoặc có người nuôi dưỡng theo qui định của pháp luật hôn nhân và gia đình nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng. Theo qui định, các cá nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi phải hơn trẻ được nhận nuôi dưỡng từ hai mươi tuổi trở lên. Trong trường hợp bác chú, cô dì, cậu ruột của trẻ mồ côi nhận nuôi cháu thì phải là người thành niên, và hơn cháu từ mười tuổi trở lên, có thu nhập thường xuyên, có chỗ ở ổn định, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không mắc vào các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ mồ côi phải đảm bảo cho trẻ được nuôi được đi học, chăm sóc sức khoẻ, đối xử bình đẳng và phải thực hiện việc giám sát cho trẻ theo qui định của pháp luật. Nghiêm cấm việc ngược đãi, bắt trẻ em lao động quá sức.
* Để được trợ giúp kinh phí, người nhận nuôi trẻ cần phải làm những thủ tục gì?
Mức trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ mồ côi được thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh như sau: Hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi được hỗ trợ kinh phí 200.000đồng/tháng/trẻ em; riêng đối với gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi dưới 18 tháng tuổi được hỗ trợ 270.000đồng/tháng/trẻ em.
- Gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ mồ côi cần phải làm đơn đề nghị trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng và có xác nhận của chính quyền thôn, buôn, khu phố. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý của người giám hộ, có bản sao giấy khai sinh của trẻ được nhận nuôi. Trường hợp nhận nuôi trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên (tính từ khi lập hồ sơ) thì phải được sự đồng ý của trẻ đó và được thể hiện trong văn bản của người giám hộ.
* Nếu gia đình, cá nhân đang nuôi trẻ có nhu cầu thay đổi chỗ ở thì có được thay đổi nơi nhận kinh phí hỗ trợ không? Và trong những trường hợp nào thì các gia đình, cá nhân sẽ bị ngừng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng?
- Khi trẻ em được nhận nuôi dưỡng đủ 15 tuổi hoặc chết hoặc gia đình, cá nhân nuôi dưỡng trẻ mồ côi chuyển chỗ ở đi ngoài tỉnh, chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn phải kịp thời báo cáo và lập danh sách đề nghị thôi hưởng trợ giúp kinh phí nuôi trẻ mồ côi gởi cho chủ tịch UBND huyện, thành phố qua phòng Tổ chức lao động. Riêng đối với gia đình không đủ điều kiện nuôi trẻ mồ côi, nhất là không đảm bảo cho trẻ học tập, bắt buộc lao động quá sức, hội đồng xét duyệt trợ giúp kinh phí sẽ có văn bản gởi chủ tịch UBND huyện, thành phố đề nghị thôi trợ giúp. Ngoài ra, nếu trường hợp cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi chuyển nơi ở đi tỉnh khác thì phải làm lại thủ tục xin hưởng trợ giúp kinh phí tại nơi ở mới.
* Xin cảm ơn ông!
KIM CHI (thực hiện)
Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục chu đáo để trở thành công dân tốt - Ảnh: MẠNH THÚY