Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3.260km, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, dân số vùng biển và đảo trên 32 triệu người. Đối với Phú Yên cũng là một tỉnh có thế mạnh về biển với chiều dài bờ biển 189km, diện tích vùng biển 6.900km2, dân số vùng biển gần 486.000 người, chiếm 56,3% dân số toàn tỉnh.
Trải qua hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, suốt tiến trình lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, nhân dân ta bằng sự sáng tạo và sức mạnh đoàn kết đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược tấn công từ đường biển. Quá trình đó đã viết lên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt
Những năm gần đây, nhiều tàu nước ngoài đã trắng trợn, ngang nhiên xâm phạm lãnh hải nước ta có nhiều hành vi uy hiếp ngư dân và các tổ chức làm ăn trên biển, làm cho ngư dân không yên tâm khi ra khơi đánh bắt thủy sản. Nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân bị tàu nước ngoài bắt giữ ngay trên vùng biển của Việt
Những năm qua, ngành Thủy sản và cán bộ khuyến ngư đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn hàng hải, dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản, mùa vụ khai thác thủy sản, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc trên tàu cá, kỹ thuật đánh bắt, sơ chế bảo quản sản phẩm trên tàu cá, trang bị và sử dụng phao, áo cứu sinh, cứu hỏa... cho bà con ngư dân; bà con ngư dân đánh bắt thủy sản ở ngư trường khơi còn được trang bị kiến thức pháp luật về Luật Biển năm 1992, xác định rõ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông để bà con biết phạm vi hoạt động cũng như có các ứng xử hợp lý trên vùng biển khơi và vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Nhờ đó, mà nhiều năm qua đã góp phần giúp ngư dân câu cá ngừ đại dương và làm các nghề khơi khác giảm thiểu những thiệt hại do tàu nước ngoài gây ra và sản xuất có hiệu quả.
Tuy nhiên, trước tình hình tàu nước ngoài xâm phạm biển đảo nước ta và xâm hại ngư dân đang diễn ra hết sức phức tạp trên biển Đông, thì việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh và trật tự an toàn trên biển cho ngư dân, các tổ chức làm kinh tế trên biển như khảo sát thăm dò dầu khí, vận tải biển là hết sức cấp thiết. Thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường đấu tranh trên nghị trường Quốc tế và giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao, hòa giải đối với những tình huống xâm phạm và tranh chấp xảy ra trên biển Đông; tăng cường hoạt động lực lượng cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tàu nước ngoài xâm phạm và xâm chiếm biển đảo nước ta, bảo vệ ngư dân, các tổ chức làm ăn trên biển, thì còn cần phải chủ động đẩy mạnh công tác tự vệ, phòng vệ trên biển cho bà con ngư dân. Trang bị cho ngư dân kiến thức về an ninh, quốc phòng và các biện pháp tự vệ, xử lý tình huống trên biển trong trường hợp bị tàu nước ngoài uy hiếp, xâm hại, để bảo vệ tính mạng, của cải của các ngư dân. Có thể xem số thủy thủ, thuyền viên trên mỗi tàu cá như là một tiểu đội tự vệ đang làm nhiệm vụ trên biển. Trên cơ sở đó Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các tàu hoạt động ở ngư trường khơi, đặc biệt đối với các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định để các tàu tăng khả năng hoạt động, các tiểu đội trên tàu cá tăng khả năng ứng phó, phòng thủ ngay trên biển khơi. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa quân và dân ngay trên biển để tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến, tạo sức mạnh tổng hợp xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước ta.
Các biện pháp đảm bảo an ninh và trật tự an toàn trên biển được tăng cường, đẩy mạnh và duy trì thường xuyên sẽ góp phần để bà con ngư dân thật sự yên tâm ra khơi, bám biển đánh bắt thủy sản phát triển kinh tế, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
NGUYỄN KHẮC TÂN
PGĐ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư,
Phó Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ đại dương Phú Yên