Thứ Hai, 07/10/2024 01:18 SA
Giải quyết việc làm cho lao động nữ:
Dạy nghề cần gắn với việc làm
Thứ Tư, 26/01/2011 10:30 SA

Chiếm hơn 50% lao động toàn tỉnh, nhưng hầu hết lao động nữ, nhất là lao động nữ ở nông thôn có thu nhập thấp, lại bấp bênh. Đa số phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, làm việc theo mùa vụ, thời gian nông nhàn trong năm thì đi làm thuê làm mướn khắp nơi...

 

trong-rau-110126.jpg

Phụ nữ nông thôn cần được hỗ trợ giải quyết việc làm để cải thiện cuộc sống. - Ảnh: N.DUNG

 

THỰC TRẠNG

 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lan ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cho biết: “Vợ chồng tôi sinh bốn đứa con. Tụi nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Vì vậy, thu nhập từ vài sào ruộng khoán của Nhà nước không đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống hàng ngày”. Để có thêm tiền, chồng chị Lan đi làm phụ hồ ở Ninh Thuận, còn chị theo một người ở xã lên Đắk Lắk hái cà phê thuê. Tuy nhiên, chỉ làm được vài tháng thì việc hết, chị lại thất nghiệp trở về nhà với nỗi lo cơm áo, gạo tiền vây bủa.

 

Chị Lan thuộc diện phụ nữ nghèo, nên địa phương tạo điều kiện cho chị vay vốn để làm ăn. Nhưng chị lại ngại vay vốn; nuôi bò thì mấy năm trước vợ chồng chị mất ăn mất ngủ vì dịch bệnh lở mồm long móng, còn nuôi heo thì không có lãi bao nhiêu mà chi phí lại nhiều. Không biết làm gì vì đất canh tác quá ít, lại không có nghề nghiệp, nên chị không dám vay. Chị nghĩ: “Nếu vay vốn mà làm ăn không hiệu quả, mắc nợ Nhà nước một cục thì biết lấy gì mà trả?”. Thế nên, kinh tế gia đình chị vẫn không được cải thiện.

 

Không riêng chị Lan mà nhiều phụ nữ nghèo ở những vùng quê khác với tình trạng không nghề nghiệp, trình độ học vấn thấp, tay nghề không có… chỉ có thể mưu sinh bằng việc đi làm thuê mướn để cải thiện kinh tế gia đình mình. Việc làm lúc có lúc không, thu nhập lại rất thấp.

 

Trong những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Phú Yên đã góp phần giúp đời sống của phụ nữ nông thôn có nhiều cải thiện. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án cho vay vốn nhỏ để giải quyết việc làm tại nhà. Các ngành, các cấp đã tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động nữ. Tuy nhiên, thực tế lao động nữ ở nông thôn vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi: cơ hội việc làm rất hạn chế do ít được đào tạo; thu nhập thấp; phải làm những công việc cực nhọc như nam giới... Khi được tạo cơ hội giúp tiếp cận với lĩnh vực phi nông nghiệp, họ có nhiều khả năng thoát nghèo. Song phần lớn lao động nữ ở khu vực nông thôn lại không đáp ứng được. Một số cán bộ tại các địa phương cho hay, đã có một số dự án đào tạo nghề đưa lao động nữ nông thôn vào các khu công nghiệp làm việc. Thế nhưng có nhiều người, chỉ sau một thời gian ngắn đã quay trở về vì không quen với tác phong lao động công nghiệp.

 

Theo báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Phú Yên, từ năm 2006 - 2010, các cấp, các ngành đã tập trung khắc phục tình trạng thiếu việc làm cho lao động nữ. Mỗi năm, có hơn 50% lao động nữ có việc làm mới, tập trung ở các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, phần lớn những việc làm này thường không lâu dài, bền vững.

 

DẠY NGHỀ GẮN VỚI VIỆC LÀM

 

Trước những khó khăn đó, từ năm 2006-2010, Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã tích cực phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các ngành chức năng mở 50 lớp dạy nghề, gồm: may dân dụng, may công nghiệp, đan đát, dệt thổ cẩm, trồng hoa, cây cảnh, bó chổi đót, đan lưới, làm bún, tráng bánh, chế biến nước mắm… cho trên 2.500 lao động nữ tham gia; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng giới thiệu việc làm cho 2.907 phụ nữ tại các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp. Song song với các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp Hội luôn chú trọng đến công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 30.000 phụ nữ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

 

Năm 2011, Hội LHPN tỉnh triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ. Mục tiêu của đề án là góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ, như Luật Bình đẳng giới đã quy định; tăng tỉ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ; tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Đề án đưa ra 3 mục tiêu cụ thể là: 70% trở lên lao động nữ được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; tỉ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%, trong đó tăng nhanh tỉ lệ lao động nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề; tỉ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%; các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm thuộc Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội Phụ nữ tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm cho khoảng 100.000 phụ nữ mỗi năm, trong đó khoảng 50.000 lao động nữ được đào tạo nghề. Đề án này dành cho lao động nữ trong độ tuổi lao động, ưu tiên cho đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” có các biện pháp hỗ trợ việc làm sau đào tạo nghề. Hy vọng, lao động nữ sẽ yên tâm hơn khi có việc làm và thu nhập ngay trong quá trình học nghề.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek