Thứ Tư, 09/10/2024 03:18 SA
Sinh kế cho người tàn tật
Thứ Sáu, 03/12/2010 19:00 CH

Dự án sinh kế cho người tàn tật do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên triển khai cho 20 hộ ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ này, người tàn tật đầu tư vào mô hình trồng rau an toàn, cải thiện cuộc sống.

 

sinh-ke101203.jpg

Chị Trương Thị Ngoan trong vườn rau. - Ảnh: K.CHI

 

Năm 1984, một tai nạn thương tâm xảy ra với chị Trương Thị Ngoan ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An). Trong lúc ép mía, cánh tay phải của chị bị máy ép mía hút vào. Không kịp suy nghĩ, chị vội đưa cánh tay còn lại vào để kéo tay kia ra, nhưng… đã quá muộn! Che ép mía đã nghiền nát cánh tay phải của chị, các bác sĩ phải cắt bỏ. Còn cánh tay trái, sau một thời gian dài chạy chữa khắp nơi, chị cũng đành bất lực. Từ đó, chị không thể cầm vật nặng bằng tay trái được. Sau tai nạn đến nay, người phụ nữ 46 tuổi này gắn bó với vườn rau quanh ngôi nhà của mẹ và nuôi vài con gà. Chị Ngoan tâm sự: “Gia đình không để cho tôi phải làm việc nhưng tôi vẫn còn sức khỏe, có thể làm vài việc phù hợp để cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”. Vườn rau rộng 1 sào của mẹ con chị trồng rất nhiều loại rau: nào hẹ, hành, diếp cá, xà lách… cũng đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng, nếu trời mưa trong nhiều ngày hoặc giá cả bấp bênh là bị lỗ, không có vốn tái đầu tư sản xuất.

 

Đầu năm 2010, dự án hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên triển khai, hỗ trợ chị Ngoan 4 triệu đồng. Có tiền, chị mua giống hành tốt, mua thêm phân về bón cho rau. Nhờ đó mà vườn rau an toàn của mẹ con chị lúc nào cũng xanh mướt, ngày nào cũng có lá hành, hẹ tốt để thu hoạch, kiếm đồng ra đồng vô. Vừa kẹp cái câu liêm vào cánh tay cụt bên phải để nhổ những cọng cỏ mọc trong đám rau xanh của mình, chị vừa nhẩm tính: Mỗi bó hành, hẹ bán được 3.000 - 4.000 đồng, một ngày bán vài chục bó cũng được vài chục ngàn. Từ khi được dự án hỗ trợ đến nay đã gần 7 tháng, hai mẹ con chị thu nhập gần 4 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống và có thêm vốn để đầu tư vào vườn rau. Nhìn mảnh vườn của hai mẹ con chị Ngoan mà lòng cảm thấy mát rượi.

 

Đưa tôi đi xem vườn rau an toàn của gia đình, ông Lê Văn Vương ở thôn Phú Long, xã An Mỹ không giấu nổi niềm hạnh phúc khi kể về việc được dự án hỗ trợ 5 triệu đồng để tiếp tục đầu tư cho vườn rau. Ông tâm sự: “Có thêm bao nhiêu tiền đó, gia đình tôi mừng lắm. Sự hỗ trợ đó là động lực thúc đẩy gia đình tôi mạnh dạn đầu tư vào nghề trồng rau”.

 

Gia đình ông Vương thuộc diện khó khăn, có em gái bị cụt cánh tay, hoàn cảnh khó khăn. Được hỗ trợ 5 triệu đồng, ông liền kéo điện về tận vườn để bơm  nước tưới và mua thêm hành giống. Ông nói: “Nhờ dự án hỗ trợ mà gia đình tôi mới có điều kiện kéo điện để bơm nước chứ lâu nay chạy máy nổ, tốn kém nên sản xuất không có lời bao nhiêu”. Chăm chỉ canh tác trên 3 sào rau, trồng xen kẽ nhiều loại, thu hoạch đạt năng suất cao nên đến khi kết thúc dự án, gia đình ông có thu nhập cao nhất trong số 20 hộ tham gia dự án.

 

Năm 2010, dự án sinh kế cho người tàn tật được triển khai cho 20 hộ gia đình tàn tật nghèo và hộ khó khăn ở xã An Mỹ, nhằm giúp họ cải thiện cuộc sống, vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Bà Trần Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, người phụ trách dự án tại địa phương, cho biết: An Mỹ có 92 người tàn tật, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Dự án sinh kế cho người tàn tật được triển khai không chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ, động viên người tàn tật, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Khi triển khai dự án, xã đã họp xét và đã chọn 20 hộ có người tàn tật nghèo, đời sống khó khăn để triển khai 2 mô hình là trồng rau sạch và dưa leo cao sản. Xã tập huấn cho bà con cách trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác… Khi được hỗ trợ, bà con mạnh dạn tăng diện tích sản xuất, mua giống, trồng xen các loại cây khác và đặc biệt là áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh mà cán bộ chuyên môn hướng dẫn nên chi phí sản xuất thấp. Gặp thời điểm rau xanh được giá nên thu lợi nhuận cao, đời sống bà con được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã. Không chỉ giúp bà con vốn làm ăn, dự án còn hỗ trợ 10 chiếc xe đạp cho các em mồ côi học giỏi trên địa bàn xã.

 

Đánh giá kết quả triển khai dự án, ông Vũ Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên cho biết: Dự án đạt kết quả tốt một phần là nhờ sự cố gắng học hỏi và nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình có người tàn tật. Các hộ tham gia đều nắm bắt được quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho gia đình. Dù kinh phí hỗ trợ chưa nhiều nhưng đã góp phần động viên tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh. Đây là nền tảng để các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư có hiệu quả và tiến đến giảm nghèo bền vững.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khốn khổ vì ngập úng
Thứ Sáu, 03/12/2010 16:30 CH
Hỗ trợ phát triển cho người nghèo
Thứ Sáu, 03/12/2010 15:00 CH
Điểm tựa cho trẻ khuyết tật
Thứ Sáu, 03/12/2010 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek