Thứ Tư, 09/10/2024 03:24 SA
Khốn khổ vì ngập úng
Thứ Sáu, 03/12/2010 16:30 CH

“Lũ lụt thì cũng vài ba ngày là rút, còn ngập úng ở địa phương chúng tôi kéo dài cả tháng nay và với tình hình mưa gió như hiện nay chắc tết nay nhiều người không được ăn tết trong nhà của họ!” - ông Trần Minh Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) nói vậy.

 

Hơn một tháng qua, hàng trăm hộ dân ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) và khu phố 3, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) đã phải sống chung với nước lụt ứ đọng từ những cơn mưa lớn kéo dài. Rất nhiều gia đình, do ngập nặng, phải dọn đến ở nhờ nhà người quen hoặc tìm nơi trú tạm.

 

ngapung1101203.gif

Ngập úng ở thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) - Ảnh: N.HÒA

 

BỊ NGÂM NƯỚC HÀNG THÁNG

 

Sáng 2/12, ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, đi kiểm tra tình hình ngập úng ở các địa phương này và cho biết: “Những nơi đang bị ngập úng này đều là vùng cát, từ xưa tới giờ là nơi trú tránh lụt an toàn cho cư dân các vùng trũng, vùng đồng ruộng. Thế nhưng năm nay chính những nơi này lại ngập lụt. Theo khảo sát và đánh giá của các ngành chức năng huyện Đông Hòa, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do năm nay mưa quá lớn và kéo dài nên mạch nước ngầm dâng rất cao, những vùng bị ngập lại gần biển, trong khi nước biển mùa này cũng rất lớn nên nước không đường rút. Theo dự báo, mùa mưa năm nay sẽ kết thúc muộn, nên tình trạng ngập úng này chắc chắn còn kéo dài”.

Sáng 2/12, anh Nguyễn Văn Tồn, 34 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc phải dùng xuồng đưa chúng tôi vào nhà vì con đường đến nhà anh bị ngập sâu cả 1,5m nước. Khó có ai ngờ, ở vùng rừng cát gần biển, cách sân bay Tuy Hòa vài trăm mét mà nơi đây như một biển nước. Nhiều nhà trong xóm của anh Tồn đã phải đóng cửa đi ở nhờ nhà bà con hơn một tháng nay, nhà anh ở vị trí cao hơn nên nước chưa ngập nền, song sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. “Nhà tôi nuôi đàn heo 11 con và 3.500 con cút đẻ. Ngập lụt kéo dài như thế này khiến đàn cút lạnh, chết dần chết mòn, đẻ rất thưa. Riêng đàn heo thì đã chuyển vào trong xóm gởi hai tuần nay. Mấy đứa nhỏ đi học những ngày trước tôi phải cõng trên vai, giờ thì mượn được chiếc xuồng này nên đỡ vất vả” – anh Tồn nói.

 

Trưa 2/12, sau hơn một tháng đi ở ké nhà người quen ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), chị Huỳnh Thị Hoa đạp xe vượt 8km về thăm ngôi nhà bị ngập nước ở khu phố 3, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa). Đứng chờ xuồng đưa giúp ra nhà, chị Hoa rưng nước mắt: “Nước ngập hơn nửa nhà tôi, ngâm đủ thứ vật dụng trong đó cả tháng nay, chắc là hư hỏng cả rồi. Về thăm cho đỡ nhớ nhà vậy chứ có vào được đâu vì cửa bị “ngậm” nước, nở ra, mở đâu có được”.                                                   

Khó khăn hơn, cả gia đình bốn người của ông Võ Quang Sơn ở khu phố 3, do không có nhà người quen để ở nhờ, phải ở tạm trong mái hiên của một nhà kho cũ trống hoác, phải dùng bạt che tạm nhưng không tránh được mưa gió, giá lạnh.

 

Theo ông Trương Kiêm, trưởng khu phố 3, phường Phú Thạnh, cả khu phố có hơn 50 ngôi nhà bị ngập lụt hơn một tháng nay. Ở xã Hòa Hiệp Bắc có 91 hộ ở hai thôn Phước Lâm, Mỹ Hòa bị ngập, còn ở xã Hòa Hiệp Trung có đến 330 hộ ở bốn thôn bị tình cảnh tương tự. Ông Trần Phú Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung, nói: “Rất nhiều người dân vùng bị ngập lụt nuôi cút, nuôi heo nên bị thiệt hại khá nặng. Hơn thế, mọi sinh hoạt thường lệ của người dân đã bị đảo lộn”.

 

LO NGẠI DỊCH BỆNH

 

Anh Nguyễn Văn Tồn chỉ đôi chân lở loét, bôi thuốc tím loang lổ, nói: “Nước ngập này rất bẩn vì khê đọng với bao nhiêu thứ rác rưởi, đồ thải ra. Lội vài lần là ngứa chịu không nổi”. Trong khi đó, đứng trước nhà anh Lê Văn Kim ở thôn Mỹ Hòa chừng 15 phút, chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi tanh do nước ngập hắt lên, bởi xung quanh khu vực này rất nhiều gia đình nuôi bò, heo, cút. Đủ thứ rác rưởi, xác động vật chết… nổi lều bều trên nước. Anh Kim cho biết: “Do nước khê đọng nên muỗi sinh rất nhanh. Nhà tôi bây giờ rất nhiều muỗi, có thể vơ hốt được!”. Thiếu nước sạch là chuyện đương nhiên vì hầu hết các giếng nước đã bị ngập, người dân vùng ngập úng phải “huy động” tất cả chum vại, xô thau để hứng nước mưa làm nước sinh hoạt.

 

Ông Trần Minh Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bắc, nói: “Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực bị ngập úng hàng tháng nay rất nghiêm trọng. Chúng tôi thực sự lo ngại dịch bệnh sẽ phát sinh khi người dân sống trong hoàn cảnh thế này. Địa phương rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện có giải pháp để khắc phục phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường và diệt muỗi cho vùng bị ngập”.

 

NGUYÊN HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek