Cả người dân, chính quyền địa phương lẫn các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đều cho rằng cần sớm di dời xưởng sản xuất chế biến titan này ra khỏi khu dân cư càng sớm càng tốt.
Hàng chục hộ dân thôn Phước Lý (thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu) đã gởi đơn tập thể kêu cứu khi Xưởng sản xuất chế biến khoáng sản Sông Cầu (thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản 5) đặt tại địa phương này gây ô nhiễm quá mức chịu đựng, khiến đời sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
NHÀ ĐÓNG CỬA, TRẺ NHỎ ĐI “SƠ TÁN”
Nhiều nhà dân ở thôn Phước Lý (thị trấn Sông Cầu) phải dán bít lổ thông gió để tránh bụi từ xí nghiệp sản xuất titan
Xưởng chế biến khoáng sản Sông Cầu thực tế chỉ sản xuất quặng kim loại Inmenite (thường gọi là titan hay cát đen), hoạt động từ cuối năm 2005 đến nay. Điều đáng nói là xí nghiệp này chỉ nằm cách nhà dân một lối đi chừng hơn 1m.
Đến Phước Lý những ngày gió nam quất ràn rạt này, chúng tôi nhận ra một điều kỳ lạ: Ngôi nhà nào ở khu vực gần xưởng chế biến titan cũng đóng kín cửa. Nhiều ngôi nhà còn dùng cả giấy, vải và đủ loại vật liệu khác để bít kín lỗ thông gió.
Chúng tôi phải gọi cửa một hồi, chị Châu Thị Thanh Thừa mới kéo chốt cửa kèm theo một câu chào xã giao với khách lạ: “Phải đóng cửa suốt ngày vì chỉ cần mở ra độ mươi phút là nhà nhám rô, bụi đen bám đầy mọi ngóc ngách!”. Rồi chị Thừa nói thêm, kể từ ngày xí nghiệp này hoạt động, đời sống của hàng chục hộ dân xung quanh trở nên xáo trộn. Bụi như muội than, có mùi khét lan tỏa khắp nơi. “Trời nóng nực mà cả xóm nhà nào cũng “cửa đóng then cài” để khỏi phải sống chung với bụi, đỡ phải nghe tiếng máy nhức tai. Chắc chẳng nơi nào mong ước một điều nghịch lý như ở chỗ chúng tôi: Mong cho điện cúp luôn để máy khỏi hoạt động! Thà sống thiếu điện, thiếu quạt máy hơn là sống chung với ô nhiễm” – chị Thừa nói vậy.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, hàng xóm của chị Thừa, cho biết: Trẻ nhỏ trong xóm phải đi “sơ tán” nhiều nơi bởi cha mẹ chúng sợ con bị bệnh. “Hai cháu nhỏ nhà tôi phải gởi ở nhà dì, nhà ngoại trong thị trấn từ sáng sớm, đến tối mịt mới đón về nhà. Không riêng nhà tôi, những nhà trong xóm có trẻ nhỏ đều phải đi gởi ở xa cả” – chị Hoa cho biết.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Trang, giáo viên của cơ sở nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật Sông Cầu (thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội) tọa lạc bên hông của xí nghiệp titan, tỏ ra rất bức xúc: “Mình mạnh khỏe thế này mà cũng ho sù sụ vì bụi của xưởng huống chi mấy cháu bị tật nguyền. Tụi tôi buộc phải đóng cửa liên tục, nóng nực nên mấy cháu càng khó nuôi, khó dạy hơn”. Cô giáo này cũng cho biết rằng cách đây không lâu, xưởng còn cho nước thải chảy tràn lan trước cổng của trường khiến hàng hoa sữa đang xanh bỗng dưng héo úa, rụng lá. “Tụi tôi phải làm căng, dọa cắt đứt ống dẫn nước thải họ mới chịu ngưng đấy” – chị Trang nói.
HOẠT ĐỘNG CẢ BAN ĐÊM
Không chỉ lo ô nhiễm, người dân Phước Lý còn ngại cả bệnh tật. Ông Trần Quang Toàn vô cùng bức xúc: “Tôi nay đã 68 tuổi, sống gần cả đời ở đây, chưa bao giờ thấy lo lắng như bây giờ. Hít thở thì ngột ngạt, ăn cơm trộn bụi, bây giờ mới hay sản xuất titan sẽ tạo ra chất phóng xạ, khả năng có thể gây ra nhiều bệnh tật. Tôi lớn tuổi không sao, nhưng còn con, còn cháu chúng tôi thế nào? Xưởng này còn hoạt động một giờ là chúng tôi còn hồi hộp một giờ!”. Chưa hết, xưởng nằm cách bờ biển – nơi hàng trăm lồng tôm hùm của dân nuôi ven bờ – chừng trăm mét, nhiều người nuôi tôm còn ngại việc nước xả thải trong quá trình sản xuất titan có thể thẩm thấu vào lòng đất gây ô nhiễm cả nguồn nước biển, ảnh hưởng đến tài sản của họ... Chính vì những lẽ đó, gần trăm hộ dân thôn Phước Lý đã hai lần cùng ký tên vào đơn thỉnh nguyện gởi đến những cấp có thẩm quyền của huyện, của tỉnh.
Rồi tường ngăn cũng được xây cao hơn, nhưng giờ hoạt động thì... dài hơn. “Tôi được biết quy định của trên chỉ cho phép xưởng chạy máy trong khoảng từ 7 giờ sáng đến 15 giờ hằng ngày. Nhưng bây giờ thì 6 giờ sáng họ đã chạy, 18 giờ mới tắt” – ông Toàn nói. Trong khi đó, trưởng thôn Phước Lý là ông Huỳnh Ngọc Danh còn khẳng định với chúng tôi: “Có nhiều khi ban ngày điện không đủ mạnh để chạy, họ chạy luôn cả ban đêm, từ 18 giờ đến 24 giờ!”.
CẦN CÓ KẾ HOẠCH DI DỜI XÍ NGHIỆP
Trước những phản ánh của dân, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Khoa học – Công nghệ và Sở Tài nguyên – Môi trường lập đoàn thanh tra đến kiểm tra xí nghiệp. Đợt kiểm tra đầu tiên vào cuối tháng 3-2006 cho kết luận: Độ ồn và bụi có ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư; Độ phóng xạ ở khu dân cư trong ngưỡng cho phép nhưng ở khu vực sản xuất monazit là vượt ngưỡng; xí nghiệp chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật và chưa thực hiện đầy đủ theo bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường... Đợt thanh tra lần thứ hai được thực hiện vào cuối tháng 5-2006 và có đánh giá rằng: xí nghiệp đã có nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy nhiên khu vực sản xuất monazit và bờ tường phía Bắc (tức phía sát khu dân cư – PV) vẫn còn độ phóng xạ vượt ngưỡng cho phép. Và đợt kiểm tra thứ ba được thực hiện vào ngày 5-6 cho thấy rằng mức phóng xạ đã ở trong ngưỡng cho phép.
Điều đáng lưu ý là trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Yên do Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Hồ Văn Tùng ký ngày 7-6 nêu rõ: Yêu cầu công ty phải hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường và làm đơn xin cấp giấy phép hoạt động theo quy định. Điều đó phải chăng việc xưởng sản xuất chế biến khoáng sản Sông Cầu hoạt động từ cuối năm 2005 đến thời điểm trên là chưa đúng quy định?
Quan trọng hơn cả, văn bản này còn kiến nghị: Xí nghiệp này nằm trong khu vực dân cư phát triển nhiều, vì thế cần phải có phương án chuyển đến vị trí khác thích hợp hơn. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu Đinh Văn Sang nói:”Không nên để một cơ sở sản xuất công nghiệp như thế trong khu dân cư, nhất là Sông Cầu đã quy hoạch thành thị xã”.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG