Thứ Năm, 03/10/2024 03:30 SA
Dấu ấn Bạc Liêu
Thứ Năm, 07/10/2010 20:00 CH

Bạc Liêu là vùng đất mới của miền Tây Nam Bộ. Đến với vùng đất này, bạn sẽ được đi giữa hệ thống kênh rạch chằng chịt, hai bên là vườn cây trái sum suê, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, vườn chim hay đồng muối mênh mang. Nơi này còn là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang của cố soạn giả Cao Văn Lầu và giai thoại công tử Bạc Liêu nức tiếng một thời...

 

cobl101007.jpg

Đàn cò tại vườn chim Bạc Liêu. - Ảnh: P.N

 

SÂN CHIM BẠC LIÊU, GÓC THIÊN NHIÊN KỲ THÚ

 

Thật ít có nơi nào trên thế giới lại có một sân chim tự nhiên, hoang dã và nguyên sơ nhưng chỉ cách trung tâm TP Bạc Liêu chỉ 3km. Đây được coi là một góc thiên nhiên kỳ thú của phương Nam, “ngôi nhà” của những loài chim hoang dã cùng một quần thể thực vật đa dạng. Tất cả đan xen tạo nên môi trường xanh thích hợp làm nơi cư trú cho những loài chim.

 

Sân chim Bạc Liêu có diện tích vùng lõi 130ha, vùng đệm 258ha, nằm trên địa phận phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu. Sân chim này có nhiều loài chim đến cư trú và sinh sản với số lượng cá thể lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sinh học nhiệt đới, thì vườn chim có lượng chim cư trú trên 60.000 con thuộc 78 loài chim, trong đó có 25 loài chim nước cư trú và làm tổ sinh sản như cò, diệc, vạc, cồng cộc, quắm đen, le le và nhiều loại chim khác. Đặc biệt, có 6 loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam là giang sen, bồ nông chân xám, sả hung, quắm cánh xanh, điên điển. 

 

Ngoài ra, sân chim còn có hệ động vật vô cùng phong phú với khoảng 150 loài gồm động vật phiêu sinh, động vật đáy, cá, ếch nhái, động vật có vú, bò sát... Thảm thực vật với 13 quần xã thực vật khác nhau, gồm 181 loài thực vật bậc cao, thuộc 145 chi của 60 họ; trong đó có 23 loài đại diện cho hệ thực vật rừng ngập mặn, 16 loài cây tham gia rừng ngập mặn (cây thích nghi với môi trường nước lợ) đại diện cho rừng ngập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cây rừng ngập mặn chiếm phần lớn là chà là, cóc, giá... Sân chim có vị trí quan trọng, nằm trong tổng thể phát triển du lịch của TP Bạc Liêu nói riêng và của tỉnh Bạc Liêu nói chung. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, nằm trong những tour, tuyến du lịch trọng điểm của vùng đất này. Tuy nhiên, những tác động của con người như nạn săn bắt chim trái phép, xâm lấn đất rừng ngập mặn đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc bảo vệ sân chim. Hiện khu vực vùng đệm của sân chim đang bị các hộ dân khai phá, biến đất rừng thành những ao nuôi trồng thủy sản khiến nơi cư trú của chim và các loài động vật khác thu hẹp dần. Nạn săn bắt, phá hủy sinh cảnh sống, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên khiến số lượng chim trong khu vực giảm đáng kể. Chính vì vậy, các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cần có những giải pháp cụ thể để bảo vệ vườn chim, đặc biệt là vùng đệm để các hộ dân sinh sống ở đây có thể chung sống hòa bình với rừng.

 

VỀ VƯỜN NHÃN CỔ...

 

Trong cuốn Sổ tay hướng dẫn du lịch Bạc Liêu do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh phát hành, vườn nhãn cổ Bạc Liêu được giới thiệu là địa chỉ du lịch thứ hai sau sân chim mà du khách nên ghé thăm. Vườn nhãn này nằm cặp ven biển, cách TP Bạc Liêu 6km, diện tích trên 50ha, kéo dài 7km từ phường Nhà Mát đến xã Vĩnh Trạch Đông. Nơi đây có những gốc nhãn hàng trăm năm tuổi. Đến tham quan khu du lịch vườn nhãn, du khách sẽ được thưởng thức mùi vị quyến rũ của những chùm nhãn thơm ngon cùng các món ăn đặc sản từ biển, được hưởng không khí trong lành khi gió biển thổi vào và hòa mình trong giai điệu của đờn ca tài tử. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã có tuổi đời trên trăm năm. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Hai giống nhãn này cho cơm dày, vị ngọt nên được người dân ưa chuộng, cứ nơi nào có đất giồng cát là nhãn mọc lên.  

 

Tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to hai người ôm không xuể. Ông Trương Kiết xem cây nhãn này như là báu vật của ông bà để lại, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo. 

 

ĐẾN NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN KHÓ QUÊN 

 

Đến Bạc Liêu, ngoài những địa danh nổi tiếng mà ai cũng muốn đến thăm như nhà của công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng hay hệ thống chùa chiền mang đậm nét văn hóa Khmer, du khách còn được thưởng thức những món ăn mang đặc trưng riêng của đất và người nơi này. Này là bánh tằm Ngan Dừa, món ăn dân dã độc đáo theo phong cách ẩm thực của người Hoa. Loại bánh này đậm đà nhờ bì làm bằng da heo và thịt nạc luộc chín, xắt từng sợi, trộn với thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn ăn với dưa leo thái nhỏ, rau thơm, giá, nước sốt cà chua, nước mắm giấm ớt nước, nước cốt dừa. Hay món bún bò cay mang vị cay đặc trưng của miền Trung với nguyên liệu là thịt bò nấu với sa tế thành nước lèo ăn với bún trắng. Đất Bạc Liêu cũng nổi tiếng với món bánh củ cải có nguồn gốc từ người Hoa. Bánh được làm bằng bột mì, bột gạo và bột năng, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh gồm có tép bạc, tép đất lột vỏ băm vừa phải, cùng ít thịt nạc băm với củ cải cắt thành sợi, tất cả đem xào chín, nêm nếm vừa ăn; khi tráng bánh xong cuốn với nhân đã xáo. Bánh củ cải ăn kèm với giá, húng quế và ít xà lách, không thể thiếu nước mắm pha chanh, đường, tỏi, ớt cho vừa ăn...

 

Với tất cả những nét dân dã, đạm bạc mà vô cùng phóng khoáng của người miền Tây, Bạc Liêu luôn là mảnh đất níu giữ chân người.

 

KHÁNH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek